Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Đòi hỏi cấp thiết
Kinh tế - Ngày đăng : 06:15, 30/11/2015
Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia
Để nâng cao giá trị gạo trong xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Theo đó, Việt Nam tiến hành xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia. Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững; gạo Việt Nam sẽ trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và đặc sản. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, đề án xây dựng thương hiệu gạo mở ra một hướng đi mới cho ngành lúa gạo Việt Nam, xây dựng hình ảnh gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, qua đó nâng cao giá trị hạt gạo, cải thiện đời sống cho người trồng lúa.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Cảng Sài Gòn. |
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để triển khai các mục tiêu đề án đặt ra, các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp (DN) và địa phương cần triển khai xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, phát triển thương hiệu gạo riêng cho vùng miền. Đồng thời, xây dựng thương hiệu gạo riêng của từng doanh nghiệp, nhãn hiệu cho các sản phẩm lúa gạo… Cùng với đó, xây dựng lộ trình quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam trong nước và trên thị trường thế giới. Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo, với một nước có nền lúa gạo xuất khẩu hàng đầu như Việt Nam mà chưa có một thương hiệu gạo nào là điều đáng tiếc. "Bây giờ mới tập trung xây dựng thương hiệu gạo là quá muộn, tuy nhiên, muộn còn hơn không. Tỷ trọng nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, người trồng lúa rất nhiều nên việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách" - ông Phạm Thái Bình khẳng định.
Chính sách phải sát thực tế
Ông Phạm Thái Bình cho rằng, trong xây dựng thương hiệu, quảng bá gạo Việt Nam, cần xác định rõ mắt xích quan trọng nhất là gì và phải làm như thế nào. Muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công phải "lôi kéo" các DN, hộ nông dân cùng tham gia. Thực tế với các nước có nền lúa gạo phát triển, doanh nghiệp luôn là người đi tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm bởi nó ảnh hưởng chính đến túi tiền của họ. Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan và các hiệp hội tăng cường giúp đỡ DN hoàn thiện những khâu pháp lý để tiến hành xuất khẩu. Khi lợi ích được xác định rõ ràng, DN sẽ tự liên kết với nông dân cùng sản xuất. Nếu thực hiện theo đúng quy trình đó, doanh nghiệp và nông dân đều có lợi nhuận, Nhà nước thu về một lượng ngoại tệ không nhỏ.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam: DN có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thương hiệu gạo. Do vậy, DN phải là "nhạc trưởng" trong chuỗi giá trị hạt gạo, nâng cao chất lượng gạo. Để xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia cần bảo đảm ba vấn đề lớn gồm: Giống lúa phải tốt, phương thức canh tác phải tiên tiến để bảo đảm điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý tốt chất lượng lúa gạo sau thu hoạch. Các chủng loại gạo được chọn để xây dựng thương hiệu cần phải đáp ứng hai điều kiện cơ bản là gạo phải có chất lượng ổn định và bảo đảm khả năng cung ứng cho thị trường.
Nhìn chung, đề án xây dựng thương hiệu gạo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các DN xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, Nhà nước cần có những cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể cho các DN khi tham gia xây dựng thương hiệu. Theo quy định, để xây dựng thương hiệu, các DN có đóng gói bao bì, in nhãn mác sản phẩm, phát triển thương hiệu phải chịu khoản thuế VAT 5%. Trong khi đó, nhiều sản phẩm lúa gạo bày bán tràn lan trên thị trường sẽ không phải chịu khoản thuế này, đây là áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN tham gia xây dựng thương hiệu gạo.
Ở khía cạnh khác, là nước xuất khẩu gạo lớn nhưng đến nay Việt Nam chưa có trung tâm kiểm định chất lượng gạo đạt chuẩn quốc tế. Muốn xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cao thì doanh nghiệp phải gửi mẫu đi kiểm định ở nước ngoài rất tốn kém và mất thời gian. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam mở ra một cánh cửa mới cho nền sản xuất lúa gạo. Để tháo gỡ những thắc mắc, khó khăn của các DN, Bộ NN&PTNT sẽ tổng hợp các ý kiến, kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan đề xuất với Chính phủ có cơ chế chính sách hợp lý nhất cho DN tham gia xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.