Đừng câu “like” bằng đời tư nghệ sĩ
Văn hóa - Ngày đăng : 09:22, 28/11/2015
Những câu chuyện liên quan đến đời tư, trang phục, ứng xử… của hàng loạt ngôi sao trong làng giải trí Việt lần lượt rơi vào tầm ngắm của chương trình. Sự soi mói, phân tích, mổ xẻ theo kiểu miệt thị cùng những ngôn từ đôi khi quá đà của các MC đã "châm ngòi" cho những luồng tranh luận gay gắt
Nhận xét cũng phải có văn hóa
"Đỉnh điểm" của tranh cãi là khi Hoa hậu Đặng Thu Thảo bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân đại ý rằng, chương trình nên dừng lại vì làm tổn thương đến người khác vì những lời lẽ không đẹp. Ngay lập tức, 3 MC của chương trình là Thùy Minh, stylish Lê Minh Ngọc và nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch đã "tung" một clip "phản pháo" lên mạng internet. Trong đoạn clip dài khoảng 3 phút này, 3 MC của chương trình đã "bóng gió" gọi Đặng Thu Thảo là "hoa hậu quốc dân" và công việc của Hoa hậu là đi cứu thế giới. Thậm chí Nguyễn Ngọc Thạch lấy hình ảnh "thần tiên tỉ tỉ" để khuyên Hoa hậu nên sống ở trên trời, ăn hương, khói, đào tiên, giữ cốt cách thần tiên, "chuyện người phàm để người phàm xử với nhau. Người phàm có ghét nhau thì hẹn nhau ra phố đi bộ mà xử đi nha. Thần tiên đừng có bày đặt bắt chước người phàm để ảnh hưởng tới thói phàm là không có nên đâu".
Ngoài hoa hậu Thu Thảo, hàng loạt sao Việt đã lên tiếng phản ứng gay gắt về chương trình. Ca sĩ Đông Nhi cho rằng, "Bitches in town" đã xúc phạm đến nghệ sỹ chứ không phải những lời mua vui. Siêu mẫu Hà Anh, một "nạn nhân" khác của chương trình thì không ngần ngại nhận xét, "Những kẻ lắm lời" là sự đi xuống của văn hóa và ngôn ngữ. Ca sĩ Trang Pháp cho rằng, chương trình đã làm trò cười cho thiên hạ. Mới đây nhất, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng đã phải dùng đến những lời lẽ hết sức "cay độc" để nói về "Bitches in town".
Bộ ba MC của Talk show "Bitches in town" gây bão dư luận thời gian qua.Từ trái sang: MC Thùy Minh, stylish Lê Minh Ngọc và nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch. |
Đúng như tên gọi của chương trình, "Những kẻ lắm lời" ngay từ khi ra mắt hồi tháng 6/2015 đã liên tiếp đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm trong showbiz Việt. Hàng loạt vấn đề đời tư, chuyện bên lề showbiz đã được nhìn nhận, phân tích dưới góc nhìn có phần chủ quan, quy chụp. Từ câu chuyện về nữ Huấn luyện viên Thu Phương của chương trình "Giọng hát Việt" 2015 bị các học trò "tố" giả tạo, chuyện ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Quốc Cường và "Đại gia kim cương", chuyện ca sĩ Mỹ Tâm bị MC Kỳ Duyên "tố" mắc bệnh ngôi sao khi đi diễn show hải ngoại, đề tài đồng tính trong phim Việt, ra mắt phim "Con ma nhà họ Vương" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, trào lưu Kisscam trong giới trẻ, nghi án Phan Huyền Thư đạo thơ, ca sĩ Sơn Tùng M-TP giới thiệu liveshow… tất cả đều được đề cập, phân tích khá chi tiết.
Một trong những phần gây tranh cãi nhất của "Bitches in town" là mục "điểm danh" sao mặc xấu. Ca sĩ Đông Nhi trong một lần diện bộ váy màu vàng bị nhận xét là ăn mặc quá già, không hợp tuổi, rườm rà "để Ông Cao Thắng đứng kế bên là nhìn như bà ngoại. Ông Cao Thắng chứ không phải vợ chồng hay tình nhân đâu". Bộ trang phục của Mr Đàm "được" bộ ba MC đánh giá "bộ trang phục với cầu vai kim loại, ra đường sẽ bị sét đánh chết". Diễn viên Việt Trinh bị nhận xét là đã lầm tưởng mình là Angela baby. Bộ áo dài của siêu mẫu Thanh Hằng bị chê là lạc hậu đến 10 năm và nên cho vào bảo tàng. "Ai là người mặc xấu nhất trong showbiz? - Mỹ Tâm. Nhưng có một người xét về độ xấu thì Mỹ Tâm phải quỳ xuống nhận bà nội, là ca sĩ Mai Khôi"…
Không chỉ đưa ra những nhận định mang tính chủ quan, ngôn ngữ mà các MC sử dụng cũng là vấn đề rất đáng bàn. Không ít khán giả cho rằng, lời lẽ mà các MC sử dụng bông đùa, tự do, thậm chí là cả ngôn ngữ "chợ búa", chuyện phiếm, nói cười vô duyên xuất hiện liên tiếp xuất hiện trong những màn đối thoại. Chẳng hạn, như MC Thùy Minh thỉnh thoảng lại thốt lên thuật ngữ "vãi chưởng" hay khi nói về trào lưu Kisscam (trào lưu hôn bất ngờ một người lạ), Stylish Lê Minh Ngọc nói rằng, cảm giác như bị hiếp dâm và sau Kisscam có lẽ sẽ là trào lưu "bóp cam"…
Một hình thức khác của trào lưu khai thác đời tư nghệ sỹ?
MC Thùy Minh từng chia sẻ rằng, "mọi người đều nghĩ show này là để đạp mọi người xuống nhưng chúng tôi rất chân thành với nhau. Mọi người nghĩ show này sẽ mang tiếng lắm vì làm việc với người nổi tiếng. Khi nói về một ai đó thì thông báo cho họ khỏi shock và trung thực với ý kiến của mình, không dựa trên việc thù hằn cá nhân. Đó chính là điều quan trọng nhất của show Bitches in town". Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những gì xuất hiện trong chương trình đã đi quá xa định hướng ban đầu. Người ta không thấy "sự chân thành với nhau" mà thay vào đó là sự châm biếm, đả kích, thậm chí là miệt thị rất khó chấp nhận. Sau những lùm xùm xảy ra, "Những kẻ lắm lời" trở thành cái tên được tìm kiếm rất nhiều trên mạng Internet tuần qua. Liệu đó có phải là cách mà những nhà sản xuất muốn PR cho chương trình. Nếu nhìn ở góc độ này thì "Những kẻ lắm lời" đã rất thành công trong việc tạo scandal để được nổi tiếng - một cách làm "xưa như trái đất" trong showbiz Việt.
Một thực tế rất đáng buồn trong giới truyền thông hiện nay là sự soi mói, tìm hiểu quá sâu vào đời tư của nhân vật. Không khó để tìm thấy những chương trình, chuyên mục khai thác mảng đề tài này trên các phương tiện truyền thống đại chúng. Tôi cho rằng, chính các phương tiện truyền thông với những bài viết kiểu như "Sao và sao", "hậu trường sao", "Hậu trường showbiz"… đã tạo ra một thói quen xấu cho độc giả khi cũng bị cuốn theo những thông tin đời tư nghệ sỹ thay vì phải quan tâm đến hoạt động nghệ thuật của họ. Chuyện sao hôm nay mặc gì, ca sĩ nào "lộ hàng", nghệ sỹ nào bị "tố" giật chồng, diễn viên nào thừa nhận đồng tính, "đọ" siêu xe của các ngôi sao… lại trở nên "nóng" hơn khi nói đến chuyện chuyên môn, nghề nghiệp của họ. Rõ ràng, truyền thông đang "đánh" vào tâm lý tò mò của khán giả và "cuộc chiến" để có được những thông tin "độc", "lạ", "sốc" của nghệ sỹ đang đẩy truyền thông đi chệch hướng và kéo theo đó là sự chệch hướng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
"Mồi câu" đời tư nhân vật cũng được các nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế khai thác như lợi thế so sánh để thu hút khán giả. Chương trình "Nhân tố bí ẩn" mùa đầu tiên và câu chuyện về ca sĩ Anh Thúy mạo danh thí sinh Huyền Minh là một ví dụ. Video clip được Ban Tổ chức phát sóng ngay trước phần thi của thí sinh Huyền Minh để lý giải vì sao cô gái này lại phải đeo mặt nạ khi bước lên sân khấu khiến nhiều người xúc động.
Khát vọng được hát, được đứng trên sân khấu của cô gái 24 tuổi với vết sẹo trên mặt lẽ ra đã trở thành điểm nhấn của "Nhân tố bí ẩn" 2014 nhưng rốt cuộc lại là "vết nhơ" cho chương trình khi tất cả chỉ là một câu chuyện được thêu dệt lên. Tương tự như vậy, Hương Giang Idol với câu chuyện chuyển giới, cuộc sống của chàng trai dân tộc Churu Yasuy giống như "cứu cánh" cho Việt Nam Idol 2012 đang rớt rating thảm hại so với các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc cùng thời điểm. "Yếu tố đời tư" của các thí sinh về gia đình, cuộc sống, tình cảm, giới tính… luôn là vấn đề mà truyền hình thực tế không dễ bỏ qua.
Trở lại câu chuyện của "Những kẻ lắm lời", suy cho cùng, chương trình cũng chỉ là "một hình thức khác của trào lưu khai thác đời tư nghệ sỹ". Sự khác biệt ở đây là chương trình được "ẩn" dưới hình thức talk show. Tôi cho rằng, khai thác đời tư nghệ sỹ chỉ nên dừng lại ở những thông tin giải trí đơn thuần vì "chuyện bên lề" không thể tạo nên một người nghệ sỹ chân chính và những sản phẩm âm nhạc đích thực. Với showbiz Việt hiện nay, đang rất cần những chương trình nghệ thuật nghiêm túc, đủ sức định hướng thẩm mỹ cho độc giả, đồng thời là những làn roi phê bình nghiêm khắc với những trào lưu phản văn hóa…