Thừa cơ sở đào tạo, thiếu nhân lực có chất lượng
Giáo dục - Ngày đăng : 07:23, 28/11/2015
Tên trường không nói lên điều gì!
Những nước phát triển hiện đã đạt tỷ lệ 30 bác sĩ/1 vạn dân, trong khi Việt Nam là 7 bác sĩ/1 vạn dân. GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, chúng ta đang rất thiếu nhân lực y nên Bộ Y tế ủng hộ việc mở rộng đào tạo nhưng quan trọng nhất là phải có được nguồn nhân lực có chất lượng. Trước sự việc Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ (KDCN) Hà Nội, băn khoăn của dư luận về chất lượng đào tạo là hoàn toàn chính đáng, bởi ngành Y là ngành đặc thù có những tiêu chí riêng khi đào tạo.
Ngành Y là ngành đặc thù đòi hỏi có những tiêu chí riêng khi đào tạo. Ảnh: Nam Học |
Thứ trưởng Lê Quang Cường cho biết thêm, nếu xét về nguyên tắc và theo thông lệ quốc tế thì một trường ĐH có thể đào tạo được nhiều ngành, nếu có đủ năng lực. Chúng ta không nên bàn luận về cái tên của trường không liên quan đến ngành nghề đào tạo, mà vấn đề ở chỗ có bảo đảm các yêu cầu để đào tạo hay không và chất lượng đào tạo ra sao. "Trước đây, khi Bộ GD-ĐT cấp mã ngành đào tạo y - dược cho một số trường ĐH, ngành Y tế cũng rất băn khăn về chất lượng. Tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT phối hợp trong việc ban hành các tiêu chí cơ bản với một trường ĐH khi đào tạo mã ngành y - dược thì hơn 1 năm qua hầu như không có trường nào đạt được các yêu cầu này" - Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh.
Hiệu trưởng một trường ĐH công lập khối y - dược cho biết, ngành Y liên quan đến tính mạng con người nên muốn đào tạo ra những "sản phẩm" phù hợp thì không thể thiếu cơ sở vật chất (gồm cả nghiên cứu và thực hành) cùng đội ngũ giảng viên tốt.
Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Trường ĐH KDCN Hà Nội đã trình hồ sơ mở ngành tới Bộ từ 2 năm trước, song chưa được xem xét. Thời gian qua, trường đã xây dựng cơ ngơi khang trang và tuyển dụng đội ngũ giảng viên nên tiếp tục đề nghị cả hai Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo. Sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ Y tế, đoàn kiểm tra của hai Bộ đã tiến hành kiểm tra và nhận thấy ĐH KDCN Hà Nội đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chương trình nên đồng ý cho phép trường được đào tạo chuyên ngành Y đa khoa và Dược học.
Tránh đào tạo ồ ạt
Năm học trước, Bộ GD-ĐT quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành trình độ ĐH, CĐ các ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y học cổ truyền và trình độ CĐ đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối y dược. Quyết định này đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Bộ Y tế đã từng khảo sát và cho thấy, có nhiều đơn vị không bảo đảm năng lực chuyên môn, không bảo đảm chất lượng, nhất là khối các trường ngoài công lập… Vì vậy, việc Bộ GD-ĐT quyết định cho Trường ĐH KDCN Hà Nội đào tạo hai ngành Y - Dược không khỏi khiến nhiều người băn khoăn. Mặc dù hai Bộ cũng có lưu ý thêm rằng, trong trường hợp cần thiết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho một số địa phương, vùng miền, hai Bộ xem xét nhu cầu nhân lực thực tế, thẩm định các điều kiện cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo trước khi quyết định cho mở ngành tại các cơ sở đào tạo ĐH không chuyên ngành Y - Dược.
Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KDCN Hà Nội, việc một trường đa ngành mở đào tạo y - dược ở Việt Nam không phải chưa từng có tiền lệ. Đơn cử như Trường ĐH Đà Nẵng hoặc các trường ngoài công lập như ĐH Thành Đô, ĐH quốc tế Hồng Bàng… đều đào tạo chuyên ngành Y - Dược, vấn đề quan trọng là quy trình đào tạo có bảo đảm chất lượng không. Trường cũng đã gửi báo cáo lên Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đề nghị được tuyển sinh vào tháng 1-2016 theo 3 tổ hợp tuyển sinh (gồm: Toán - lý - hóa; toán - hóa - sinh và toán - lý - sinh) với điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 20 điểm 3 môn.
Theo thống kê, ở trình độ ĐH hiện có khoảng 20 cơ sở đào tạo bác sĩ đa khoa, 23 cơ sở đào tạo dược; trình độ CĐ có 41 cơ sở đào tạo dược học, 62 cơ sở đào tạo điều dưỡng. Trong số này có một số trường ngoài công lập với điểm đầu vào khá thấp so với mặt bằng chung của ngành đào tạo. Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Quang Cường cho rằng, nếu tuyển dụng đầu vào không chất lượng và đầu ra cũng không đạt yêu cầu thì chắc chắn sinh viên ra trường sẽ không có việc làm, khi đó trường mất uy tín và sẽ không thể tiếp tục đào tạo. Với đầu vào được xét tuyển từ 20 điểm chắc chắn sẽ có sự chênh lệch rất lớn về điểm số với các trường đào tạo y - dược hàng đầu như hiện nay là 28-29 điểm cho 3 môn học.
Theo một chuyên gia trong ngành Y tế, quan niệm lâu nay là chỉ những người giỏi mới có thể vào ngành y - dược dường như đang có sự thay đổi. Bởi vì có quá nhiều cơ sở giáo dục được phép đào tạo chuyên ngành này. Hơn nữa, một số trường ngoài công lập có chỉ tiêu tuyển sinh lớn, đầu vào thấp trong khi năng lực đào tạo, cơ sở thực hành hạn chế, thậm chí có trường không có cơ sở thực hành, giáo viên thì "vay mượn" và như vậy thì không thể đào tạo nhân lực có chất lượng được. Tăng cường nguồn nhân lực không phải cứ đào tạo một cách ồ ạt là xong, bởi nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.
Tại một hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đóng góp về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện bằng tốt nghiệp ĐH y, dược của nước ta chưa được thế giới công nhận. Do đó, các thầy thuốc Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc hay học tập nâng cao trình độ chuyên môn đều phải đào tạo lại từ đầu. Tới đây, Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường hậu kiểm các trường công lập và ngoài công lập đang được đào tạo ngành y - dược. Cơ sở nào không đáp ứng các yêu cầu, Bộ Y tế sẽ kiến nghị cho ngừng tuyển sinh. |