Thiếu hụt lượng nhân lực khổng lồ ngành CNTT
Xã hội - Ngày đăng : 20:53, 27/11/2015
Theo đó, đây là một thách thức rất lớn, nhưng cũng là cơ hội để các tổ chức giáo dục, giới nhân sự và chính các nhân viên CNTT cùng góp sức đưa ra những giải pháp tốt nhất để đem đến nhiều nhân sự chất lượng hơn cho thị trường tuyển dụng CNTT.
Thiếu trầm trọng nhân lực chất lượng ngành CNTT – phần mềm
Theo phân tích của VietnamWorks, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT – phần mềm đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Nếu sự cách biệt về mức độ tăng trưởng giữa cung và cầu tiếp tục trong những năm tới, Việt Nam sẽ ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực để đáp ứng cho ngành dẫn đầu thị trường tuyển dụng này.
Do đó, từ đây đến năm 2020, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, chúng ta sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực IT mỗi năm và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực IT, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực IT thị trường cần.
Tuy nhiên, để đạt được tỉ lệ người tìm việc so với công việc ngành IT ở mức 17 ứng viên cho mỗi công việc (tỉ lệ năm 2013), chúng ta cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành IT vào năm 2020. Nếu cứ đi theo mức tăng trưởng hiện tại, đến lúc đó Việt Nam sẽ thiếu 1 triệu nhân lực IT, một con số khổng lồ đòi hỏi một chính sách phát triển nhân lực sâu rộng được triển khai ngay lập tức.
Ảnh minh họa. |
Thị trường CNTT tăng nhanh ở mảng phần mềm
VietnamWorks cũng cho biết số lượng công ty tuyển dụng trong ngành CNTT đã tăng 69% so với năm 2012. Đặc biệt, số lượng công ty phần mềm đã tăng đến 124% chỉ trong vòng 4 năm. Điều này giải thích lý do vì sao số lượng việc làm ngành IT luôn tăng nhanh, nhưng tập trung vào mảng phần mềm là nhiều nhất.
Bên cạnh đặc điểm tăng trưởng nhanh, thị trường CNTT Việt Nam còn nổi tiếng chủ yếu nhờ vào dịch vụ outsourcing (lao động thuê ngoài). Theo bảng xếp hạng của công ty tư vấn Tholons, TPHCM và Hà Nội nằm trong top 20 thành phố có dịch vụ outsourcing tốt nhất.
Về mặt yêu cầu tuyển dụng, số liệu của TechLooper, trang phân tích nghề nghiệp trực thuộc VietnamWorks, cho thấy các kĩ năng .NET, C/C++, Java, PHP và Web là những chuyên môn có nhu cầu tuyển dụng tăng nhanh nhất, trong đó Web và Java là 2 kĩ năng hàng đầu đang được săn đón hiện nay.
Thị trường IT cần cải thiện điều gì?
Theo ông Paul Espinas có 4 điểm quan trọng nhất để phát triển thị trường nhân lực và tuyển dụng ngành IT ở Việt Nam.
Thứ nhất là trình độ ngoại ngữ của nhân sự ngành IT. Với tình hình hầu hết các công ty IT thuộc lĩnh vực outsourcing, thường xuyên phải làm việc gia công cho các khách hàng nước ngoài, thì khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật là vô cùng cần thiết. Điều này càng đặc biệt cấp thiết khi việc hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương được kì vọng sẽ đem lại một thị trường khách hàng lớn hơn để IT Việt Nam có thể tiếp cận.
Thứ hai là kĩ năng mềm. Đây luôn là điểm yếu của nhân lực Việt Nam nói chung nhưng đặc biệt cần nhấn mạnh đối với ngành IT. Những vị trí cao trong bậc thang sự nghiệp trong ngành này đều đòi hỏi nhiều hơn những kiến thức về kỹ thuật. Ví dụ, vị trí Project Manager (quản lý dự án) đòi hỏi các kĩ năng giao tiếp, thuyết trình, trình bày ý tưởng, thuyết phục đối tác, quản lý thời gian và tiến độ… Điều này không phải người làm ngành IT nào ở Việt Nam cũng đáp ứng được.
Thứ ba, cập nhật về công nghệ nên được tích hợp vào giáo trình dạy CNTT trên toàn quốc. Một khảo sát gần đây của VietnamWorks cho thấy giới công nghệ Việt Nam đang quan tâm khá nhiều đến các khái niệm dữ liệu lớn, lập trình di động, công nghệ đột phá trong khởi nghiệp và mã nguồn mở. Tất cả các khái niệm này đều đã phổ biến trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, giáo trình tại các trường dạy CNTT vẫn ít khi đề cập đến.
Cuối cùng là cải thiện các chương trình đào tạo và huấn luyện cho nhân viên IT. Số liệu của VietnamWorks cho thấy 75% người tìm việc ngành IT mong muốn một công việc cho họ cơ hội được đào tạo, nhưng chỉ có 14% số công việc IT cung cấp cơ hội đào tạo. Bằng việc đáp ứng nhu cầu đào tạo của nhân viên, các công ty IT có thể tạo nên nguồn nhân lực chất lượng hơn đồng thời cũng gắn kết nhân viên, khiến họ trung thành hơn với công ty mình.