Vẫn "khổ" với chính sách

Công nghệ - Ngày đăng : 06:55, 27/11/2015

(HNM) - Để thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ (KHCN), Chính phủ đã ra chủ trương khuyến khích DN trở thành DN KHCN. Thế nhưng trên thực tế, nhiều DN sau khi được chứng nhận DN KHCN thì gặp rất nhiều khó khăn do tư duy cũ của cơ quan quản lý.

Tư duy cũ cản trở lối đi mới

Tại hội nghị "Phát triển doanh nghiệp KH&CN 2015" diễn ra ngày 25-11, tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường DN KHCN cho biết, cả nước đang có khoảng 2.000 DN đủ điều kiện là DN KHCN. Tuy nhiên, mới chỉ có 204 DN được cấp giấy chứng nhận. Trong số này, chiếm nhiều nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ chế biến sau thu hoạch, giống vật nuôi… DN đạt tiêu chí KHCN nhiều nhất thuộc ngành Công nghệ thông tin nhưng lượng DN đăng ký cấp phép KHCN trong ngành này rất ít.

Giống cây trồng là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ.



Tại hội nghị, giám đốc một công ty chuyên sản xuất tàu thuyền bức xúc cho biết, 3 năm qua công ty ông phải chịu thiệt thòi rất nhiều vì tư duy cũ của các cơ quan quản lý. Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải không chấp nhận cấp phép lưu hành cho sản phẩm tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu mới do công ty ông sản xuất với lý do vật liệu này chưa có tiêu chuẩn đăng kiểm. Mãi đến tháng 6 vừa qua, vấn đề mới được giải quyết. "Khi DN chứng minh đủ tiêu chuẩn thì cơ quan quản lý phải chấp nhận chứ không phải đưa ra quy định rồi bắt DN làm theo.

Phải mạnh dạn chấp nhận cái mới thì mới làm được" - Vị giám đốc này bức xúc.

Bà Đào Vĩnh Hà (Công ty Đạm Minh Hà, tỉnh Quảng Ninh) cũng phản ánh, công ty bà đã sản xuất thức ăn vi sinh cho gia súc có nhiều vi khuẩn có lợi, giảm 30% cám và tạo chất lượng thịt lợn tốt. Công ty đã xin giấy phép lưu hành ở Bộ NN&PTNT, Cục Chăn nuôi đã khảo nghiệm xong và đã được chuyển lên bộ để ban hành danh mục nhưng cả tháng nay chưa được phản hồi.

Ông Trần Xuân Đích xác nhận, vấn đề thương mại hóa sản phẩm hình thành từ kết quả KHCN của nhiều DN gặp khó khăn do rào cản về cơ chế, chính sách. Trong khi sản phẩm KHCN luôn đổi mới, sáng tạo nên nhiều sản phẩm mới chưa có quy chuẩn tiêu chuẩn về chất lượng khiến cơ quan quản lý nhà nước gặp lúng túng trong quá trình xem xét, cấp phép lưu hành. Điều này khiến DN gặp khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường mặc dù có nhiều đối tác sẵn sàng thương mại hóa.

Mất ưu đãi...


Khi là DN KHCN thì các DN sẽ được ưu đãi về thuế, điều kiện đất đai, phòng thí nghiệm và một số ưu đãi khác… Tuy nhiên, các DN phản ánh là quá khó để được ưu đãi thuế. Cụ thể, để được ưu đãi thuế thì sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả KHCN của DN phải đạt doanh thu 30% trong tổng doanh thu của năm thứ nhất; 50% trong năm thứ hai và từ 70% trở lên. Để đạt con số này không phải dễ vì sản phẩm KHCN là sản phẩm mới, người tiêu dùng còn ngần ngại. Mặt khác, sự chậm chạp cấp phép lưu hành cho DN như đã nói ở trên khiến cơ hội tăng doanh thu của DN trong những năm đầu là vô cùng khó.

Không chỉ khó nhận ưu đãi, thậm chí có DN còn bị… phạt vì đầu tư phát triển công nghệ! Ông Nguyễn Thế Hà, đại diện Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ chuyên sản xuất thiết bị xay xát lúa gạo cho biết công ty này đang bị ngành Thuế truy thu 20 tỷ đồng. Nguyên nhân, để trở thành DN KHCN, từ năm 2011 công ty này đã đầu tư nghiên cứu, thay đổi máy móc, thiết bị hiện đại thay thế cho các máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu. Năm 2013, công ty được cấp giấy chứng nhận DN KHCN. Kết quả, công ty bị ngành Thuế phạt 20 tỷ đồng vì cho rằng công ty đang mở rộng đầu tư và phần này không được ưu đãi thuế. "Chúng tôi đang được hưởng ưu đãi dự án đầu tư vào địa bàn điều kiện khó khăn, ưu đãi ngành Cơ khí. Bây giờ chúng tôi không đầu tư mở rộng nhà xưởng, chỉ đầu tư thay đổi thiết bị mà lại bị phạt thì quá vô lý", ông Hà bức xúc.

Theo phản ánh của nhiều công ty có mặt tại hội nghị, khi hạch toán thuế rất lo lắng vì theo luật thì DN KHCN sẽ được miễn thuế, nhưng ngành Thuế lại không chấp nhận với lý do Bộ Tài chính không quy định ưu đãi thuế cho DN KHCN. "Chúng tôi rất hoang mang bởi quy định phạt của ngành Thuế rất cao. Đề nghị Bộ KH&CN làm việc với Bộ Tài chính để gỡ vướng mắc này cho DN", đại diện một công ty chuyên sản xuất máy móc cho ngành Dược phẩm kiến nghị.

Ông Trần Thanh Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN đề nghị Cục Phát triển thị trường DN KHCN ghi nhận các phản ánh của DN để làm việc với ngành Thuế "Nguyên tắc là khi nâng cao chất lượng công nghệ thì phải được ưu đãi hơn chứ không thể ngược lại", Thứ trưởng nói. Liên quan đến quá trình xây dựng DN KHCN, bộ sẽ tiếp thu những khó khăn của DN nhằm chỉnh sửa các quy định cho phù hợp để DN ứng dụng KHCN một cách thuận lợi nhất. Từ nay đến 2020, mục tiêu của bộ là phấn đấu đưa tổng số DN KHCN lên mức 5.000 DN. Tuy nhiên, bộ sẽ không chú trọng về số lượng mà sẽ tập trung vào chất lượng DN nhiều hơn.

ĐẶNG LOAN