Trước vòng xoáy khủng hoảng
Thế giới - Ngày đăng : 06:24, 27/11/2015
Trong một diễn biến khác, dù khẳng định sẽ không đáp trả bằng một cuộc chiến, nhưng Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố vụ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga đã làm đổ vỡ mối quan hệ láng giềng thân thiện lâu năm giữa hai nước và thiệt hại này sẽ khó có thể bù đắp.
Sự kiện máy bay Su-24 Nga bị bắn hạ đang gây căng thẳng quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. |
Sự kiện lần đầu tiên một máy bay Nga bị không lực Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - bắn rơi ở độ cao 6.000m và cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 1km thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới trong suốt mấy ngày qua. Trong khi Mátxcơva và Ankara không ngừng tranh cãi đúng - sai, không ít người lại đặt câu hỏi vì sao không lực Thổ Nhĩ Kỳ lại bắn hạ chiếc cường kích Su-24 của Nga vào thời điểm này? Nhiều ý kiến cho đây là hành động có chủ đích của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi trên thực tế Ankara đã nhiều lần tuyên bố ý định thành lập vùng đệm ở khu vực Tây Bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tin từ quân đội Syria cho thấy, phiến quân Syria đang kiểm soát 500km biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực trên, có nơi sâu vào đất Syria từ 3km đến 10km. Một trong những lý do được cho khiến Ankara "hành động" là để bảo vệ vùng đệm - nơi quân nổi dậy chống Chính phủ đương nhiệm Syria có thể vận chuyển dầu khai thác từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều nguồn tin cho rằng, hàng tháng tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thu khoảng 50 triệu USD nhờ bán dầu khai thác bất hợp pháp tại Syria và Iraq.
Dầu thô được bán cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá 35 USD/thùng và đôi khi chỉ là 10 USD/thùng.
Việt Nam kêu gọi các bên không làm leo thang căng thẳng (HNM) - Chiều 26-11, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay của Nga vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: "Các bên liên quan cần kiềm chế, không có các hành động làm leo thang căng thẳng tình hình, xử lý những vụ việc vừa qua trên cơ sở luật pháp quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào duy trì hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới". Đình Tuấn |
Trong phát biểu mới nhất, Tổng thống V.Putin cho rằng, một lượng lớn dầu IS khai thác được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu IS có tiền nhờ bán dầu, đồng thời được một nước bảo vệ, thì cũng dễ hiểu nguyên nhân chúng tiến hành khủng bố trên toàn thế giới, kể cả trái tim của Châu Âu. Lý do thứ hai được cho là đã khiến Ankara chấp nhận cuộc khủng hoảng không lực Nga - Thổ Nhĩ Kỳ là Ankara đang cố trở thành một nhân tố quan trọng hơn trong khu vực. Theo một số ý kiến khác, vụ tấn công là hệ lụy tất yếu, bởi thời gian qua, Nga không ngừng các chiến dịch không kích tại Syria khiến lực lượng khủng bố phải hứng chịu nhiều tổn thất. Trong khi đó, quân đội Syria, dưới sự hỗ trợ hiệu quả của không quân Nga đã liên tiếp giành thắng lợi trên chiến trường. Và câu hỏi liệu vụ việc có là hành động nhằm giảm "nhuệ khí" của Nga tại chiến trường Syria cũng được đặt ra... Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ như "giọt nước tràn ly". Bất đồng giữa Ankara và Mátxcơva thời gian qua không ngừng tăng khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad thì Nga lại công khai ủng hộ.
Cùng với những cố gắng ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng sau "sự cố", ghi nhận của báo chí 24h qua cho thấy cả Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều tăng cường an ninh biên giới. Trong một động thái mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở chiến dịch tuần tra biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria quy mô lớn khi huy động cả xe tăng và 18 máy bay chiến đấu F-16 tham gia. Đáp lại, cùng với chiến dịch không kích tiếp tục chống khủng bố tại Syria, quân đội Nga đã tăng các biện pháp cứng rắn nhằm bảo vệ không quân Nga tại Syria, đồng thời chấm dứt tiếp xúc quân sự với Ankara. Theo đó, Nga sẽ khai hỏa trước bất kỳ máy bay nào đe dọa sự an toàn của không lực và binh sĩ Nga với sự triển khai nhanh các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất S-300 và S-400 tại Syria...
Sự kiện cường kích Su-24 Nga bị không lực Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ không chỉ đẩy quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng nhiều duyên nợ đến trước vòng xoáy khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử hiện đại mà còn khiến NATO đối mặt với nguy cơ một cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông. Vụ việc đánh dấu xung đột trực tiếp đầu tiên của một quốc gia thành viên NATO với lực lượng vũ trang Nga kể từ khi Tổng thống V.Putin triển khai chiến dịch không kích IS vào cuối tháng 9 tại Syria. Vì thế, câu hỏi được đặt ra là cường kích Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi có phải là một hành động "quá tay" của Ankara hay chỉ để gửi một thông điệp vẫn còn "bí mật" tới Nga?
Phát biểu trong cuộc họp nội các ngày 26-11, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho biết nước này đã thông qua các biện pháp quân sự và ngoại giao nhằm đáp trả Ankara sau sự cố máy bay tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga, đó là: Ngừng các dự án hợp tác kinh tế, hạn chế các giao dịch tài chính và thương mại, điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu, các biện pháp trong lĩnh vực du lịch, vận tải kể cả bằng đường không và đường biển, cũng như tiếp xúc nhân đạo đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Khuôn khổ thời gian của các biện pháp này phụ thuộc vào diễn tiến quan hệ và tình hình quốc tế. |