Phải tăng cường hậu kiểm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 27/11/2015

(HNM) - Chuyện Tổng công ty Bảo đảm Hàng hải miền Nam (Bộ GT-VT) có 15 cán bộ đang giữ các vị trí quan trọng có quan hệ họ hàng, thân thích với Tổng Giám đốc đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Không phải bây giờ mới xuất hiện những nghi án "gia đình trị", thế nhưng vì rất nhiều lý do, nhiều vụ việc không thể đi tới cùng. Không ít người nghĩ rằng đây chỉ là những câu chuyện không đầu, không cuối..., nhưng nay không thể không suy nghĩ. Nhất là khi có thông tin cho rằng, không ít người trong số cán bộ trên được bổ nhiệm sai quy trình. Vì vậy, dù rằng đơn tố cáo về 30 người đang làm việc tại Tổng công ty và đơn vị thành viên tại doanh nghiệp nói trên có quan hệ gia đình, quan hệ cá nhân với Tổng Giám đốc đang giữ những chức vụ, vị trí công tác quan trọng từ năm 2005 là nặc danh nhưng Bộ GT-VT đã thành lập tổ xác minh, làm rõ vấn đề. Dư luận cũng mong muốn đó không phải là sự thật nhưng đáng buồn, đây là chuyện có thật.

Cụ thể, theo Kết luận số 13802/KL-BGTVT của Bộ GT-VT, tới 15/30 người bị tố cáo có quan hệ gia đình, họ hàng với ông Tổng Giám đốc. Chính xác hơn, 8 người có quan hệ ruột thịt như chị, cháu, cậu, em Tổng Giám đốc. 5 trong số đó giữ các chức vụ quan trọng như: Phó tổng giám đốc, chánh văn phòng, phó giám đốc công ty, trưởng phòng kế hoạch và một người giữ chức phó phòng kế toán công ty…

Đó là chưa kể 7 người có quan hệ họ hàng như cháu rể, anh rể, cháu dâu, cháu vợ của Tổng Giám đốc và 6 người giữ các chức vụ trưởng, phó phòng Tổng công ty, công ty con. Số thành viên trong gia đình Tổng Giám đốc có chức vụ là 11 người, chiếm tới 7% tổng số cán bộ lãnh đạo của đơn vị này.

Về công tác bổ nhiệm, Tổ xác minh đã xác định, một số quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm của Tổng công ty chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Quy trình bổ nhiệm và hồ sơ bổ nhiệm đối với một số trường hợp còn thiếu sót như tại thời điểm bổ nhiệm có 3 người thiếu bằng tốt nghiệp đại học, 2 người thiếu điều kiện là đảng viên, 1 người thiếu nhận xét cấp ủy nơi cư trú và chứng chỉ tin học. Và đến thời điểm xác minh, vẫn còn một cán bộ trong "gia đình trị" này chưa trả được nợ bằng tốt nghiệp đại học. Bổ nhiệm cán bộ đã không đúng thì việc điều động bổ nhiệm một số "người nhà" cũng vi phạm quy trình...

"Một người làm quan, cả họ được nhờ". Xem ra câu nói đó ứng với gia đình nói trên cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Sai phạm đã được kết luận rõ ràng và chắc chắn cơ quan chức năng sẽ có quyết định xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, qua vụ việc nói trên có thể thấy: Công tác kiểm tra, giám sát bổ nhiệm của các cơ quan chức năng có vấn đề. Sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên cũng là điều đáng bàn. Dù chỉ là một vụ việc cụ thể, nhưng thực sự đáng lo ngại, là hồi chuông cảnh báo đối với công tác tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Vấn đề không chỉ là lựa chọn, bổ nhiệm nhân tài, việc kiểm tra, giám sát quy trình bổ nhiệm, sau bổ nhiệm là hết sức quan trọng. Chặt chẽ trong công tác hậu kiểm là hết sức cần thiết để những cán bộ được bổ nhiệm thực hiện tốt hơn vai trò, nhiệm vụ được trao gửi và đang gánh vác thay vì… "ngồi mát, ăn bát vàng".

Mai Lâm