Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi): Bổ sung chế tài đủ sức răn đe

Đời sống - Ngày đăng : 12:41, 26/11/2015

(HNMO) - ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) ví các trang thông tin điện tử như ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngọt ngon nhất mà không phải mất một chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào.

Sáng 26/11, các ĐB thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật báo chí (sửa đổi).

Trước đó, ngày 14/11, trong buổi thảo luận tại tổ Hà Nội về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết trước đây dự thảo có đưa vào một số chế tài quản lý đối với trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội. Tuy nhiên, sau đó do thấy đối tượng này đã được quy định trong Điều 20 của Nghị định 72. Nếu đưa trang thông tin điện tử, truyền thông xã hội vào Luật Báo chí thì vô hình chung sẽ chấp nhận cả báo chí tư nhân. Sau này sẽ nâng Nghị định 72 lên thành Luật.

Tại buổi thảo luận sáng nay, một số ĐB tiếp tục nêu ra vấn đề này với mong muốn phải kiểm soát tốt để tạo sự bình đẳng, môi trường lành mạnh để báo chí phát triển.

Học sinh vào kenh14.vn thay vì Tiền phong, Tuổi trẻ online... 

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình)


ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hoà Bình) bày tỏ băn khoăn vì thủ tục đăng ký đối với các trang thông tin điện tử hiện tương đối đơn giản. Do hình thức trang không khác gì so với báo điện tử nên thời gian qua, số lượng trang tăng lên nhanh, gây qúa tải cho công tác quản lý nhà nước.

Có nhiều trang hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ, vi phạm bản quyền tác giả, luật sở hữu trí tuệ, gây bức xúc nhiều nhà báo chân chính. Qua theo dõi, trong một tháng qua, có hàng chục trang bị xử phạt vì tổng hợp tin không trích dẫn, trích dẫn không đầy đủ...

"Do trang thông tin không phải là cơ quan báo chí nên việc tổng hợp tin tức không có tôn chỉ mục đích, thường theo hướng giật gân, câu khách để tuyên truyền mặt trái, tiêu cực trong xã hội, hướng thanh niên đến lối sống lười lao động, thích hưởng thụ, tôn sùng vật chất.... Các tin chính thống, tin chính trị thường ít được tổng hợp, nếu có thì vị trí mờ nhạt.

Qua tìm hiểu, học sinh phổ thông khi lên mạng, thường không tìm vào Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi trẻ online đọc mà lại là các trang thông tin tổng hợp như kenh14.vn, zing.vn..." - ĐB Hải nêu.

Do đó, ĐB kiến nghị bổ sung một số quy định, chế tài đủ mạnh vào Luật báo chí sửa đổi để quản lý trang thông tin điện tử trong khi chờ nâng Nghị định 72 quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng lên thành Luật

Quản lý khó khăn bởi cóp nhặt siêu tốc

Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng sự bùng nổ internet và truyền thông xã hội đã tác động tới báo chí chính thống. Chỉ với một chiếc điện thoại, người sử dụng biến chúng thành một toà soạn, một tờ báo, một trường quay, thậm chí thành sạp báo. Một công dân với sự hỗ trợ công nghệ trở thành một phóng viên, biên tập viên.

Thói quen tác động thông tin thay đổi từ việc chọn tin, mua tin, xem tin thay đổi cho đến thông tin phản hồi. Sự bùng nổ thông tin trên internet nhanh nhưng trong đó có nhiều thông tin không được kiểm chứng, cạnh tranh thiêu lành mạnh ảnh hưởng đến báo chí chính thống.

Dường như làn ranh giữa truyền thông xã hội và báo chí truyền thông không còn. Một bộ phận bạn đọc thiếu niềm tin vào báo chí chính thống và ngã ra thông tin trên mạng.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội)


ĐB Trường cho biết thêm: "Mặc dù vậy dự thảo luận tránh đề cập đến truyền thông xã hội. Có ý kiến cho rằng chúng ta mới túm ông có tóc, còn ông trọc đầu thì chưa. Trong khi ông có tóc thi đơn giản. Điều mà xã hội quan tâm là quản ông trọc đầu- phần bức bối mà hiện nay xã hội rất quan tâm. Luật báo chí hiện hành vẫn chưa chế định và kiểm soát được. Như vậy mối tạo sự bình đẳng, môi trường lành mạnh để báo chí phát triển.

Kinh nghiệm cho thấy khi có một vụ việc nào đó, trong khi báo chí chính thống tuân thủ theo định hướng chưa đưa thì truyền thông xã hội đã cày xới, đến khi báo chí chính thống đưa tin thì còn đâu bạn đọc chờ đón. Báo chí mất bạn đọc, không chỉ báo chí suy yếu mà còn làm tác dụng tuyên truyền của báo chí chưa tốt" - ĐB Thường thẳng thắn nêu thực trạng.

Với số lượng website quá nhiều nên quản lý rất khó. Các trang tin này là ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngọt ngon nhất cho mình trong khi đó họ không phải mất một chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào.

"Theo thống kê hiện cả nước có hơn 1.600 trang thông tin điện tử tổng hợp, gấp hàng chục lần các báo chí điện tử, gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung.

Vậy là có tình trạng người làm thật mà ăn giả, kẻ làm giả thì ăn thật. Tốc độ cóp nhặt siêu tốc nên việc quản lý các trang tin rất khó khăn, thế mới có chuyện sáng đưa trưa gỡ. Dự thảo luật cần xóa bỏ khái niệm trang tin điện tử tổng hợp và nhóm về loại hình website thông thường. Chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí. Chỉ có làm vậy mới tạo ra môi trường lành mạnh, phát triển bình đẳng để các cơ quan báo chí chân chính yên tâm đầu tư phát triển

Bổ sung chế tài đủ sức răn đe

ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ)


ĐB Trần Hồng Thắm, Cần Thơ nêu những vấn đề đáng lo ngại mà hoạt động báo chí hiện đang bộc lộ như thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật và xu hướng thương mại hoá có chiều hướng tăng nhanh, không có biện pháp, chế tài hữu hiệu, gây bức xúc, băn khoăn trong nhận thức người dân và không ít cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ.

Đáng lo ngại là thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, tội ác, thông tin về những chuyện thần bí, mê tín dị đoạn... Trong đó cử tri là những bậc phụ huynh rất bức xúc về những thông tin trên báo chí về những sinh hoạt đời thường của giới showbiz không thuận lợi cho nhận thức của giới trẻ, chẳng hạn như giới thiệu hình ảnh ca sĩ trẻ làm mẹ đơn thân vẫn có thể nuôi dạy con tốt , phải chăng điều này sẽ vô tình gây nhận thức không đầy đủ về hôn nhân trong giới trẻ hiện nay.

Do đó, ĐB đề nghị cần bổ sung quy định thẩm quyền của các cơ quan quản lý và chế tài cụ thể với các nhà báo không tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp và tổng biên tập cho đăng những tác phẩm báo chí không đúng tôn chỉ mục đích và truyền thống văn hoá Việt Nam thì phải chịu trách nhiệm ra sao thì mới đủ sức răn đe.

Bảo Hân