Muốn mạnh, phải có cách làm riêng!
Thể thao - Ngày đăng : 06:57, 26/11/2015
Hà Nội nhất toàn đoàn giải đua thuyền Rowing và Canoeing vô địch quốc gia 2015. |
- Ông đánh giá kết quả của đua thuyền Hà Nội tại Giải vô địch quốc gia diễn ra vào trung tuần tháng 11 tại Hải Phòng vừa qua như thế nào?
- Giải vô địch quốc gia là đấu trường quốc nội quan trọng nhất trong năm, nhằm đánh giá trình độ phát triển môn đua thuyền của các tỉnh, thành, ngành, kiểm tra chất lượng chuyên môn đào tạo và năng lực của VĐV. Các VĐV đội tuyển quốc gia đều về góp mặt thi đấu cho các địa phương, đủ thấy sức cạnh tranh và hấp dẫn của các cuộc đua tài. Năm nay, môn Rowing có 92 VĐV thuộc 12 đơn vị tham gia, môn Canoeing có 174 VĐV thuộc 23 đoàn tham gia. Và Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí số 1, giành ngôi vị Nhất toàn đoàn ở cả môn đua thuyền Rowing và Canoeing. Cụ thể: Môn Rowing, trong tổng số 20 bộ huy chương, Hà Nội giành tới 7 HCV, 4 HCB, 4 HCĐ, xếp trên Đà Nẵng, Hải Dương. Môn Canoeing, ưu thế thậm chí còn vượt trội hơn rất nhiều khi Hà Nội giành tới 13 HCV, 11 HCB, 3 HCĐ trong tổng số 36 bộ huy chương, bỏ xa Vĩnh Phúc xếp nhì và Bình Thuận xếp ba. Tôi hài lòng với nỗ lực và thành quả của các VĐV Hà Nội.
- Có kết quả nào khiến ông ngạc nhiên về chuyên môn không?
- Ngạc nhiên nhất là sự vươn lên mạnh mẽ của đoàn Bạc Liêu ở môn Canoeing. Bạc Liêu đã giành 3 HCV, 5 HCĐ, xếp thứ 5 toàn đoàn. Tôi rất ấn tượng với màn trình diễn của đội Canoeing nam của Bạc Liêu. Họ có kỹ thuật rất tốt, được đầu tư, đào tạo bài bản, trong tương lai sẽ là đối thủ xứng tầm của nam Canoeing Hà Nội.
- Một số VĐV thuộc đội tuyển quốc gia đã không thể giành HCV ở giải kỳ này, đó có thể coi là một ngạc nhiên không?
- Điều đó tùy thuộc vào tiêu chí tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia. Nói riêng với Canoeing chẳng hạn, thực tế là cả 4 VĐV của Hà Nội có mặt trong đội tuyển quốc gia, bao gồm Trần Xuân Đạt, Lê Chung Thu, Nguyễn Thị Hải Yến, Ma Thị Tuyết đều thi đấu rất thành công, giành HCV. Nhưng bên cạnh đó, nhiều gương mặt đội tuyển đã không thể giành HCV. Như tôi từng phân tích sau giải các CLB đua thuyền toàn quốc trước thềm SEA Games 28, Đinh Quốc Hùng, Dương Phú Lương, Nguyễn Hồng Quân của Hà Nội rất có tiềm năng nhưng lại không được gọi vào đội tuyển quốc gia. Kỳ này, các tay chèo Hùng, Lương, Quân đều có màn thể hiện rất xuất sắc, một lần nữa chứng tỏ tài năng của họ.
- Rất mong các nhà tuyển trạch sẽ có cái nhìn công tâm, không để lãng phí nhân tài…?
- Ở Giải vô địch Canoeing Châu Á mới đây tại Indonesia, lần đầu tiên Hà Nội không có trong thành phần đội tuyển quốc gia. Tôi thấy tiếc cho các tay chèo giỏi của Thủ đô, cũng thấy tiếc vì đua thuyền Việt Nam vẫn chưa lấy được "qualify" (đạt chuẩn) tham dự Olympic. Tháng 4-2016, đua thuyền còn đợt tuyển chọn cho việc tranh vé dự Olympic ở Giải Rowing vô địch Châu Á, tổ chức tại Hàn Quốc. Theo kế hoạch, Tổng cục sẽ đầu tư cho đội nữ, còn Hà Nội dự kiến đầu tư cho 2 gương mặt nam là Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Văn Hà. Nếu Linh và Hà được đầu tư tập huấn tại Australia (dự kiến từ 22-2 đến 22-3), các em sẽ thi đấu một vài giải đấu lớn ở nước này để rèn tâm lý và kỹ thuật, cơ hội thành công ở giải tuyển chọn sẽ cao hơn rất nhiều.
- Dù thế nào, Hà Nội vẫn có thể tự hào về khâu đào tạo VĐV. Ông có thể bật mí bí quyết thành công của đua thuyền Hà Nội?
- Quan trọng nhất vẫn là cách làm. Với đua thuyền, khó nhất là khâu tuyển chọn VĐV, bởi muốn là tay chèo giỏi, phải có ngoại hình, tố chất khỏe mạnh đặc biệt. Chúng tôi phải phối hợp với các địa phương, vừa giúp họ trong khâu tuyển chọn, vừa hỗ trợ đào tạo, em nào có năng khiếu đặc biệt sẽ tiến hành ký hợp đồng để Hà Nội đầu tư ăn, tập, học văn hóa tập trung. Ví như Ma Thị Tuyết là VĐV người Tuyên Quang, nhưng được Hà Nội đầu tư, huấn luyện, đã và đang thi đấu rất thành công cho Hà Nội và đội tuyển quốc gia.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!