Vở cải lương "Vua Phật": Chuyển tải thông điệp đời - đạo
Văn hóa - Ngày đăng : 06:55, 26/11/2015
Cảnh trong vở cải lương “Vua Phật”. |
Không ít tác phẩm nghệ thuật ra mắt dịp này, nhân kỷ niệm 707 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập cõi niết bàn (1-11-2015), nhưng cả ba đêm diễn vở cải lương "Vua Phật" tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ đều kín chỗ. Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử vô cùng nổi bật ở cả hai phương diện đời và đạo. Khi làm vị vua thứ 3 của nhà Trần, ngài là vị vua sáng suốt, anh minh, lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan quân Nguyên Mông, bảo vệ vẹn toàn Tổ quốc. Khi nhường ngôi cho con, xuất gia tu hành, ngài đã tìm con đường giúp dân, giúp nước qua tu đạo để cố kết nhân tâm, vun bồi trí đức theo phương châm "dựng đạo tạo đời" và lập dòng Thiền phái Trúc Lâm. Một nhân cách sáng ngời, một trí đức siêu quần như vậy, theo như tác giả kịch bản văn học TS Bùi Hữu Dược thì cần được tôn vinh và có cách tiếp cận để người đương thời biết, hiểu, trân trọng giá trị công hạnh mà ngài để lại cho hậu thế. Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng xuất phát từ một mong mỏi đó để dồn tâm dàn dựng một tác phẩm sân khấu về ngài dành cho khán giả ngày nay.
Khác với nhiều tác phẩm sân khấu do những nhà viết kịch chuyên nghiệp thực hiện, "Vua Phật" dựa trên kịch bản của TS Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ, người đã nhiều năm theo nghiên cứu sâu về Phật giáo và Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bởi vậy, có rất nhiều chi tiết, câu chuyện về ngài do ông thu thập ít người biết đến. Đây là điểm thú vị mà người xem mong đợi.
Vở cải lương được NGƯT Triệu Quang Vinh chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn, khắc họa một hành trình dài và nổi bật của Trần Nhân Tông từ khi ngài là Thái tử, đến lúc lên ngôi Vua, đánh quân xâm lược giữ nước với hai hội nghị nổi tiếng trong lịch sử là Hội nghị các tướng lĩnh ở bến Bình Than và Hội nghị các bô lão ở điện Diên Hồng, sau đó ngài lên ngôi Thái Thượng Hoàng, một thời gian thì quyết định xuất gia, tìm con đường giúp dân giúp nước qua tu đạo. Hành trình ấy được thể hiện bằng biện pháp cộng hưởng các ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau cải lương, kịch, điện ảnh, múa, âm nhạc… tạo cho sân khấu khá sinh động và hiện đại.
Trước tiên phải kể đến ngôn ngữ cải lương, tác phẩm đã thể hiện được hết những nét đẹp riêng có của loại hình này. Từ cách đi đứng, cử chỉ đến ngôn ngữ, lời ca đều sử dụng đậm đầy, nhất là những phần ca của diễn viên chính nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Đặc biệt vai Trần Nhân Tông hồi 1 của Minh Hải và hồi 2 của Quang Khải để lại ấn tượng tốt về phong thái, lối diễn, đài từ và ca. Theo tâm sự của Minh Hải, khi nhận vai, anh thường xuyên đến chùa nghe giảng pháp. Quang Khải cũng đã thường xuyên ăn chay, theo các thầy đi làm việc thiện để hiểu về con đường mà Trần Nhân Tông đã chọn. Anh vào vai ở hồi 2, khi Trần Nhân Tông quyết định xuất gia nên quyết định cạo tóc để nhập vai thật nhất.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên cũng đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ điện ảnh vào tác phẩm với hai màn hình led lớn thay cho phông nền. Những thước phim đẹp, chất lượng nghệ thuật cao về cảnh hoàng cung, núi thiêng Yên Tử, bến thủy, chợ quê… được lồng vào tạo chiều sâu và cảm giác thật cho người xem. Một số sự kiện trong tác phẩm được thể hiện bằng nghệ thuật múa như hai trận đánh quân Nguyên Mông, màn tuẫn tiết của cung nhân để hỗ trợ con đường tu đạo của Trần Nhân Tông… là một bước sáng tạo bất ngờ và hay.
Tuy nhiên, tác phẩm muốn "tải" cả cuộc đời của Vua Phật Trần Nhân Tông, có nhiều sự kiện không thể lược bỏ vì thế lại không thể làm sâu và tới. Cũng vì "tham" sự kiện mà mạch chuyện đôi chỗ bị đứt gẫy, khiến khán giả khó theo dõi về một thông điệp xuyên suốt.