Phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia và thông qua 6 luật
Chính trị - Ngày đăng : 06:37, 26/11/2015
Như vậy, Hội đồng Bầu cử quốc gia do QH thành lập có 21 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch QH khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng. 4 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
16 Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm các Phó Chủ tịch QH: Nguyễn Thị Kim Ngân; Huỳnh Ngọc Sơn, Uông Chu Lưu; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Tô Huy Rứa; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thị Nương; Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam Nguyễn Văn Được và Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Nguyễn Đắc Vinh.
Cũng trong sáng 25-11, QH biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Nghị quyết thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự với nội dung quan trọng là tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. QH cũng thông qua Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính; thông qua Nghị quyết về: Ngày bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia và Nghị quyết bầu Tổng Thư ký QH.
l Chiều cùng ngày, QH đã làm việc tại hội trường, nghe báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ QH và biểu quyết thông qua 4 dự án: Luật Tạm giữ, tạm giam; Bộ luật Hàng hải Việt Nam (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật Phí, lệ phí.
Luật Tạm giữ, tạm giam có 11 chương (gồm 73 điều), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016, quy định rõ 7 hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8, Chương I), trong đó cấm tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, các hình thức đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hoặc bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam... Luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (tại Điều 9) gồm 10 nội dung…
Luật trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, quy định rõ các vấn đề trưng cầu ý dân (tại Điều 6). QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước. Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân (tại Điều 8) là chủ nhật, do Ủy ban Thường vụ QH quyết định và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân…
8 quy định và 2 pháp lệnh về phí, lệ phí sẽ hết hiệu lực từ ngày 1-1-2017 Theo Luật Phí, lệ phí có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017, 8 quy định gồm: Lệ phí tuyển sinh quy định tại Điều 101 và Điều 105 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11; phí hoa tiêu, phí cầu cảng quy định tại các Điều 37, 169 và 176 của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005; phí hoa tiêu quy định tại Điều 75 của Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004; phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế quy định tại Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế 2014; phí cung cấp dịch vụ điều hành hoạt động giao thông vận tải đường sắt quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 74 của Luật Đường sắt 2005; lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán quy định tại Điều 15 của Luật Kiểm toán độc lập 2011; lệ phí cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán quy định tại Điều 25 của Luật Kiểm toán độc lập 2011; thuế môn bài quy định tại Điều 6 của Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều trong Pháp lệnh, Điều lệ về thuế công thương nghiệp và thuế hàng hóa sẽ hết hiệu lực. Ngoài ra, Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 và Pháp lệnh Án phí, lệ phí tòa án số 10/2009/PL-UBTVQH12 cũng hết hiệu lực kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành. |