Tạo sự liên kết giữa sản xuất-phân phối và tiêu dùng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:08, 25/11/2015
Chương trình do UBND TP Hà Nội tổ chức hứa hẹn một sự liên kết chặt chẽ trong tương lai, tạo ra chuỗi cung ứng, tiêu thụ hiệu quả cho sản phẩm đặc sản vùng, miền trên cả nước. Đây cũng là giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Bưởi Quế Dương, một trong những loại trái cây đặc sản của Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Là năm thứ hai được tổ chức tại Hà Nội, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2015 thu hút được sự quan tâm của 120 doanh nghiệp (DN) trong cả nước. Các sản phẩm đặc sản của các vùng, miền quy tụ tại chương trình rất phong phú, như: Nước mắm Cát Hải, Phú Quốc, Phan Thiết; mắm tôm chua Huế; mỳ chũ Bắc Giang; gạo tám Điện Biên; hành, tỏi Lý Sơn… đến các loại bánh kẹo, chè, cà phê, trái cây, như chè Shan tuyết Suối Giàng, chè Thái Nguyên; vú sữa Lò Rèn; xoài cát Hòa Lộc; bưởi đường Tuyên Quang... Đáng chú ý, một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa; đồng thời, các sản phẩm đăng ký đều được Sở Công thương các tỉnh, thành phố tham dự triển lãm xác thực về nguồn gốc và chất lượng. Hà Nội cũng giới thiệu đến NTD Thủ đô một số sản phẩm đặc sản như hạt sen trần, cốm Làng Vòng, giò chả Ước Lễ, nem Phùng… Với diện tích 2.000m2 tại Trung tâm Thương mại Royal City (Hà Nội), chương trình có quy mô hơn 200 gian hàng của 40 tỉnh, thành phố. Ngoài mục tiêu hỗ trợ, quảng bá các sản phẩm đặc sản của các vùng, miền tiêu thụ tại Hà Nội, thì mục tiêu đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khách sạn, chợ đầu mối, bếp ăn của các trường học… nhằm tạo ra hoạt động kết nối giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - NTD được xem là yếu tố tạo ra bản sắc riêng của hội chợ.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội, các vùng miền trên đất nước ta vốn có nhiều đặc sản nhưng chưa được quảng bá rộng rãi, sản phẩm chủ yếu tiêu dùng trong vùng. Vì vậy, việc quảng bá nhằm đưa sản phẩm đến với NTD Thủ đô, đồng thời tìm "đầu ra" cho sản phẩm là niềm trăn trở nhiều năm qua của ngành công thương Hà Nội. Hà Nội là thị trường tiềm năng, có khả năng tiêu thụ mạnh các mặt hàng cho các tỉnh, thành phố. Trong đó, mặt hàng thủy hải sản tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội được khai thác tại các tỉnh ven biển chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận, Ninh Thuận… Một số mặt hàng được khai thác tại các tỉnh phía Nam là các loại cá nước ngọt như cá tra, cá bông lau, cá ba sa… Mặt hàng hoa quả tươi từ các tỉnh miền Bắc - Nam Trung Bộ… được đưa vào tiêu thụ tại Hà Nội qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ…
Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2015 là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm của thành phố nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương, thực hiện liên kết Hà Nội với cả nước và cả nước với Hà Nội. Qua chương trình, các ngành chức năng của Hà Nội và các địa phương đã chủ động trao đổi kinh nghiệm về cách thức để đưa hàng vào các chuỗi siêu thị, xây dựng kênh phân phối hàng hóa, xây dựng kế hoạch cung ứng cụ thể trong từng thời điểm mùa vụ để xác lập hợp đồng kinh tế giữa các bên. Chương trình được thực hiện đã thể hiện rõ sự quyết tâm của Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố trong việc liên kết tạo nguồn hàng, tìm "đầu ra" cho sản phẩm. Đồng thời, thúc đẩy phát triển KT-XH của các địa phương; hỗ trợ quảng bá sản phẩm đặc sản vùng, miền Việt Nam; tăng cường cung ứng tiêu thụ nguồn hàng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô; góp phần ổn định thị trường, giá cả và từng bước để các DN của Hà Nội tiếp cận với DN các tỉnh tạo nguồn hàng cung ứng lâu dài, ổn định phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch TP Hà Nội tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành phố tạo điều kiện để các nhà sản xuất, phân phối, đầu tư, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; giúp các nhà sản xuất tiếp cận, ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, nuôi trồng. Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt tại hệ thống phân phối hiện đại, truyền thống; nâng cao nhận thức, lòng tin của NTD trong nước và bạn bè quốc tế về chất lượng, giá cả, thương hiệu của các sản phẩm Việt.