Có dấu hiệu không bình thường?
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:02, 25/11/2015
Khu đất đấu giá tại phường Xuân Đỉnh. |
Dư luận từ cuộc đấu giá
Đầu tháng 11-2015, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh chuyện "quân xanh, quân đỏ" trong cuộc đấu giá 21 lô đất ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm diễn ra ngày 11-11-2015. Nhiều vấn đề đặt ra ngay từ khâu đăng ký nhận hồ sơ mời tham gia đấu giá: Từ ngày 21 đến 27-10, Chi nhánh Phát triển quỹ đất quận Bắc Từ Liêm đã phát hồ sơ mời tham gia đấu giá miễn phí, song có doanh nghiệp ròng rã cả 5 ngày vẫn không đến lượt được nhận hồ sơ. Thậm chí, có doanh nghiệp cho rằng, họ bị "ngáng chân", bị yêu cầu không đăng ký tham gia cuộc đấu giá. Không chỉ dừng lại ở đó, tại phiên đấu giá còn có không ít vấn đề như: Nhà đầu tư trả bước giá không đúng quy định, không ghi mã số doanh nghiệp nhưng vẫn được Hội đồng đấu giá bỏ qua… Và khi doanh nghiệp trúng đấu giá "đánh bại" các nhà đầu tư còn lại ở mức giá 44,6 triệu đồng/m2 cho 21 lô đất thì rõ ràng những câu hỏi dư luận đặt ra không phải không có căn cứ.
Ngay sau phiên đấu giá, phóng viên Báo Hànộimới đã khảo sát tại vị trí 21 lô đất ở phường Xuân Đỉnh. Ngay tại cửa hàng bán nước chè nằm trên vỉa hè của khu đất đấu giá, người đàn ông tên Phương, ở Tổ dân phố 1 phường Xuân Đỉnh thắc mắc: Do nhu cầu thay đổi chỗ ở nên tôi đang có ý định bán thửa đất tại Ngõ 205/91, cách đây vài trăm mét, tôi phát giá 45 triệu đồng/m2, có người đã trả 42 triệu đồng/m2 nhưng tôi chưa bán. Đất trong ngõ, ngách còn có giá ấy, không hiểu đất đấu giá đẹp thế mà sao giá chỉ 44,6 triệu đồng/m2? Một người đàn ông khác nói rằng: Đất ở vị trí này giá 65 đến 70 triệu đồng/m2 mới xứng, bởi hạ tầng đầy đủ, lại rất "đắc địa". Trong khi đó, theo một doanh nghiệp chuyên môi giới bất động sản ở khu vực này, những thửa đất thổ cư gần đường, đã có sổ đỏ quanh khu đấu giá, giá không dưới 80 triệu đồng/m2.
Lần theo một số điện thoại quảng cáo bất động sản gắn tại địa điểm 21 lô bán đấu giá, phóng viên được một "cò" đất tư vấn nhiệt tình: 21 lô đấu giá hiện chưa có giá bán, sang đầu tháng 12 chắc chắn sẽ làm xong giá vì chủ đầu tư còn đang "cân". Liền kề với khu đất đấu giá cũng có đất thổ cư, nếu mua ở vị trí mặt đường rộng khoảng hơn 10m, giá khoảng 100 triệu đồng/m2… Chính những thông tin thị trường này dẫn đến câu hỏi: Vì sao đất đấu giá không sát giá thị trường?
Ngay sau khi có những thông tin trên, ngày 18-11, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã có Công văn số 7828, chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố và UBND quận Bắc Từ Liêm kiểm tra, rà soát lại quy trình phát hành hồ sơ đấu giá và các nội dung khác liên quan đến công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 21 lô đất nêu trên. Nếu phát hiện những nội dung không phù hợp, các cơ quan liên quan phải dừng ngay việc hoàn thiện hồ sơ cho đơn vị trúng giá đất. Ngày 24-11, đại diện Chi nhánh Phát triển quỹ đất Bắc Từ Liêm cho biết: Chi nhánh sẽ có báo cáo, phúc đáp Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường. |
Người trong cuộc… ngại nói?
Toàn bộ khu đất có tổng diện tích 2.936m2, trong đó 1.730m2 chia thành 21 lô đấu giá có diện tích từ 69m2 đến 109m2; diện tích còn lại là đường đi, vỉa hè, rãnh thoát nước. Đất tại khu đấu giá đã được san nền, xây ngăn lô; các thửa đất đều tiếp giáp với mặt đường, vỉa hè rộng. Cạnh khu đất là các dự án xây dựng đã được quy hoạch và cách một con đường đôi là Công viên Hòa Bình. Theo nhiều người dân địa phương thì đây là khu đất "vàng", có vị trí thuận lợi, liền với các dự án lớn. Chính vì vậy, dự án nhà ở thấp tầng tại vị trí này là mơ ước của nhiều nhà đầu tư. Từ đây có thể đặt câu hỏi: Tại sao phiên đấu giá không có các bước trả giá đột biến mang tính quyết định? Vì sao vẫn có doanh nghiệp lớn xin rút khỏi "cuộc chơi"?
Để có tiếng nói khách quan trong phiên đấu giá, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số nhà đầu tư trực tiếp tham gia phiên đấu giá đất ngày 11-11-2015. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư tỏ ra ngần ngại. Về ý kiến của Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Vinacomin (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) trên một số phương tiện thông tin cho rằng "có rất nhiều thành phần "xã hội đen" đến và thường xuyên dọa nạt yêu cầu không mua hồ sơ, công ty chúng tôi thấy rõ ràng có sự móc ngoặc giữa cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất và một số thành phần xã hội đen…", Chi nhánh Phát triển quỹ đất quận Bắc Từ Liêm bác bỏ hoàn toàn. Với mong muốn làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi đã đặt lịch làm việc với Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Vinacomin, mặc dù đã liên hệ lại nhiều lần, nhưng không nhận được hồi âm. Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Thành, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Thăng Long thẳng thắn cho biết: Khi đăng ký hồ sơ mời đấu giá và trong phiên đấu giá không có gì bất thường; không thấy có thành phần "xã hội đen". Các công ty không tham gia bỏ giá đến cùng vì năng lực có hạn, khả năng tài chính không thể đáp ứng được và mức giá mà Công ty Viễn Tin bỏ là cao.
Tuy nhiên, khi được hỏi về mức trúng đấu giá với giá thị trường, nhiều nhà đầu tư cho rằng không thể so sánh được vì sau khi trúng đấu giá, nhà đầu tư phải tiếp tục thực hiện dự án xây dựng nhà ở thấp tầng cho 21 lô mà không được phép chuyển nhượng đất nền luôn. Nếu không trường vốn, dự án sẽ bị đổ bể giữa chừng và không biết hậu quả sẽ xảy ra…
Phiên đấu giá đúng quy định!
Theo những tài liệu của phiên đấu giá: Ngày 18-9-2015, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 4716/QĐ-UBND, phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất (để thực hiện dự án đầu tư) xây dựng nhà ở thấp tầng để bán tại phường Xuân Đỉnh. Theo đó, mức giá đấu khởi điểm được phê duyệt là 39,1 triệu đồng/m2 và bước giá áp dụng cho tất cả các vòng đấu là 500.000 đồng/m2. Hồ sơ mời tham gia đấu giá được phát miễn phí cho người đăng ký tham giá đấu giá, không hạn chế số lượng. Nhà đầu tư phải đấu giá toàn bộ 21 lô, không đấu riêng lẻ từng lô và phải có chức năng kinh doanh bất động sản hoặc giấy chứng nhận đầu tư có hoạt động kinh doanh bất động sản; phải bảo đảm sau khi trúng đấu giá có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng. Theo dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án xây nhà ở thấp tầng (không bao gồm tiền sử dụng đất) là gần 41 tỷ đồng. Khi đăng ký tham gia đấu giá, nhà đầu tư phải đặt trước số tiền 10 tỷ đồng/hồ sơ và phí tham gia đấu giá là 1 triệu đồng/bộ.
Lý giải về những thông tin "nóng" nêu trên, ông Lê Hải Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Phát triển quỹ đất quận Bắc Từ Liêm khẳng định: Đó là những thông tin thiếu cơ sở. Trong 5 ngày phát hành hồ sơ, có rất nhiều tổ chức đến đăng ký nhận hồ sơ mời đấu giá, trong đó nhiều tổ chức không có chức năng kinh doanh bất động sản nên cán bộ của Chi nhánh mất rất nhiều thời gian giải thích. Hết hạn đăng ký nhận hồ sơ mời đấu giá vẫn còn 6 nhà đầu tư chưa nhận được hồ sơ nên sau đó UBND quận Bắc Từ Liêm tiếp tục cho phát hồ sơ mời đấu giá. Hết ngày 1-11-2015, toàn bộ nhà đầu tư đăng ký đều đã được phát hồ sơ miễn phí mời đấu giá. Kết quả, có 12 nhà đầu tư nộp hồ sơ, phí, tiền đặt trước để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, 2 nhà đầu tư là Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất và Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Vinacomin đã có đơn rút nên chỉ còn 10 nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá. Phiên đấu trải qua 8 lần trả giá, mức giá cuối cùng là 44,6 triệu đồng/m2 thuộc về Công ty cổ phần Đầu tư Viễn Tin.
Chứng minh nhận định này, ông Sơn đã cung cấp cho chúng tôi toàn bộ tài liệu liên quan đến phiên đấu giá. Qua xem xét, các tài liệu không có dấu hiệu bất thường, các nhà đầu tư trả giá đúng quy định, các bước giá đều được tuân thủ.
Có hay không chuyện thông đồng?
Cuộc đấu giá diễn ra với 10 nhà đầu tư, song chỉ sau 3 vòng trả giá bắt buộc đã có 5 doanh nghiệp không tiếp tục tham gia đấu giá. Từ vòng thứ 5 đến vòng thứ 8 chỉ còn 4 nhà đầu tư trả giá "đủng đỉnh", mỗi vòng thêm một bước giá 500.000 đồng/m2. Đến vòng thứ 8 chỉ Công ty cổ phần Đầu tư Viễn Tin trụ lại với giá 44,6 triệu đồng/m2. Điều này cũng là bình thường trong nhiều phiên đấu giá, nhưng nhìn lại cả quá trình tổ chức đấu giá, nhiều người vẫn không khỏi băn khoăn về việc: Có không sự móc ngoặc giữa các nhà đầu tư? Thế nhưng, cũng có điều dễ thấy là với việc nhà đầu tư phải đấu trọn 21 lô và sau đó phải thực hiện dự án xây dựng nhà ở thấp tầng đã hạn chế được rất nhiều nhà kinh doanh bất động sản vì không phải ai cũng có thể bỏ ra cả số tiền lớn để đầu tư.
Trong quá trình tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của nhiều người chuyên đi đấu giá đất và đã từng tổ chức đấu giá, cho thấy: Yếu tố thông đồng để dìm giá giữa những người đi đấu giá rất có thể xảy ra, họ sẵn sàng bàn bạc, chia chác để thống nhất sao cho giá đấu giá trúng ở mức thấp nhất. Chuyện này chỉ những người trực tiếp tham gia đấu giá mới biết… Nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn thì nhiều tỷ đồng của Nhà nước dễ dàng bị thất thoát mà chẳng ai hay.