Đủ chiêu rút ruột vàng nữ trang
Kinh tế - Ngày đăng : 15:17, 24/11/2015
Theo quy định, các tiệm vàng phải ghi rõ thông tin tuổi vàng, trọng lượng, ký hiệu trên từng sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ những công ty vàng lớn mới tuân thủ chặt quy định này. Trong ảnh: giao dịch vàng tại một tiệm vàng ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm |
Theo quy định tại thông tư 22 (có hiệu lực từ ngày 1-6-2014), các tiệm vàng phải công bố rõ trọng lượng, mã ký hiệu, hàm lượng vàng từng sản phẩm để người tiêu dùng được biết. Thế nhưng các tiệm vàng cũng có nhiều “chiêu” để đối phó.
Niêm yết một đằng,
bán một nẻo
Ghé vào một tiệm vàng trên đường Nguyễn Hữu Cầu (Q.1, TP.HCM) hỏi mua một sợi dây chuyền, chúng tôi được chủ tiệm vàng giới thiệu sợi dây hơn 7 chỉ loại “vàng bốn số 9”, nhưng sau đó cho biết thêm “lên máy chắc còn hai số” khi nghe chúng tôi yêu cầu kiểm tra.
Chưa hết, khi nghe chúng tôi thắc mắc về tỉ lệ 98% ghi trên nhãn hàng, chủ tiệm nói đó là ký hiệu riêng của tiệm, không phải tuổi vàng. Những ký hiệu khác về trọng lượng, mã ký hiệu cũng ghi rất lập lờ, nhưng chủ tiệm không những không giải thích mà còn tỏ vẻ khó chịu vì “mua thì chỉ cần quan tâm đến giá chứ hỏi những chuyện đó làm gì?”.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số khu vực chuyên bán vàng, việc ghi nhãn của các tiệm mỗi nơi mỗi kiểu. Chẳng hạn tại một tiệm vàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh), nhãn gồm các ký hiệu như HL là “hàm lượng”, KL là “khối lượng”, “C” là tiền công, mã hiệu sản phẩm. Một số sản phẩm như vòng tay, nhẫn còn có thêm ký hiệu “H” nghĩa là giá tiền hột gắn trên sản phẩm.
Tuy nhiên, một số nơi lại ghi bằng các ký hiệu khác hoặc chỉ ghi số không kèm theo ký hiệu nên người mua chỉ có thể phỏng đoán. Cũng có nơi trên mỗi món hàng có ghi tiền công, nhưng có tiệm nói giá riêng chứ không ghi lên trên nhãn.
Là người hay mua vàng nữ trang đeo và cũng để làm của, chị Nguyệt (Q.Bình Thạnh) cho biết trước đây có thông tin cơ quan chức năng siết chất lượng vàng nữ trang, người tiêu dùng cũng mừng.
Tuy nhiên, thực tế thị trường vàng nữ trang chẳng có thay đổi gì. Dù có niêm yết nhãn nhưng người bán nói tuổi vàng bao nhiêu, người mua chỉ biết bấy nhiêu chứ đâu kiểm tra được, trong khi chưa có thông tin nào về việc phát hiện và xử phạt tiệm vàng bán vàng không đúng tuổi. “Chúng tôi chỉ còn biết chọn tiệm vàng uy tín và mua đâu bán đó để tránh bị ép giá” - chị Nguyệt nói.
Ngoài ra, các chủ tiệm vàng còn lập lờ giá vàng khi niêm yết. Đi dạo một vòng quanh các khu vực tập trung đông tiệm vàng như khu Lê Thánh Tôn, khu chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM), chợ Vườn Chuối (Q.3), Tuổi Trẻ ghi nhận có tình trạng nhiều món hàng dù trên nhãn ghi 98% hoặc 98,5% nhưng chủ tiệm vàng vẫn nói là vàng 24K rồi áp giá để tính cho người mua, trong khi đúng ra 24K phải là 99,99%.
Chưa kể nhiều món hàng trên nhãn ghi 61% nhưng giá niêm yết chỉ thấp hơn vàng 68% chưa đến 100.000 đồng/chỉ, trong khi đúng ra cách biệt lên đến hơn 200.000 đồng/chỉ.
“Công thức 64-68-75”
Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải nói có một công thức bất thành văn trong ngành vàng đã tồn tại từ nhiều chục năm qua là công thức “64-68-75”. Chành (lò) làm vàng 64%, bán cho tiệm vàng 68%, tiệm bán cho người tiêu dùng vàng 75%. Như vậy, người tiêu dùng phải trả tiền mua vàng 75% nhưng thật ra tuổi vàng thật chỉ có 64%.
“Từ 64% lên 75% tức chênh lệch 11 ly, tương đương hơn 300.000 đồng/lượng. Dù các tiệm vàng vẫn mua lại đúng tuổi vàng mình bán ra, nhưng người tiêu dùng mua vàng đã phải ứng trước vốn cho nhà sản xuất” - ông Hải nói.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry, nói thị trường vàng nữ trang đã có chuyển biến tích cực hơn nhưng các tiệm vàng còn nhập nhằng giữa vàng cũ - là những hàng sản xuất trước thời điểm thông tư 22 có hiệu lực - và hàng được sản xuất sau này. Còn rất nhiều hàng cũ chưa đúng tuổi đến nay chưa xử lý rốt ráo và phần thiệt vẫn rơi vào người tiêu dùng cuối cùng.
Mặt khác, do số lượng tiệm vàng trên toàn quốc quá lớn, lên đến 8.000 tiệm và chưa có thông tin về việc kiểm tra xử phạt các tiệm bán vàng không đủ tuổi nào nên tình trạng lập lờ để móc túi người tiêu dùng vẫn còn phổ biến, đặc biệt ở các địa phương xa.
“Hiện các tiệm vàng vẫn “đánh lừa” người tiêu dùng ở chỗ nhân công rẻ. Người mua chỉ quan trọng giá nên thấy tiền công rẻ là ham, trong khi nếu mua của các công ty tên tuổi thì tiền công mắc gấp 3 - 4 lần” - ông Trọng nói thêm.
Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cũng thừa nhận chuyện ghi nhãn thế nào cũng khá đau đầu vì các tiệm vàng nói nhãn món hàng quá nhỏ nên khó ghi đủ chi tiết. Cũng có trường hợp lợi dụng chính lý do này để mỗi tiệm ghi mỗi kiểu nhằm đánh đố người tiêu dùng.
“Chưa kể số lượng tiệm vàng rất lớn, mỗi nơi lại đặt hàng tại mỗi lò khác nhau nên người tiêu dùng giống như lạc vào mê hồn trận, khó biết chất lượng thực tế ra sao và chỉ còn cách mua đâu bán đó” - ông Long nói.
Theo ông Long, cơ quan quản lý thị trường có quá nhiều việc để làm trong khi mảng nữ trang lại cực kỳ phức tạp. Đây là bài toán khó và cần nỗ lực chung từ nhiều phía. Tuy nhiên, ông Long cho rằng cần quản lý chặt chẽ ngay từ khâu sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn nhằm dễ bề kiểm soát chất lượng.
“Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra ngẫu nhiên, xử phạt và công bố rộng rãi thông tin, từ đó tạo áp lực lên người kinh doanh, chứ như hiện nay do chưa bị xử phạt nên các tiệm vàng không sợ” - ông Long nói.
Theo một số chuyên gia, thông tư 22 chỉ quy định các tiệm vàng phải công bố hàm lượng vàng, còn giá do các tiệm vàng tự ấn định. Do đó nhiều tiệm vàng lợi dụng kẽ hở này ghi đúng tuổi vàng nhưng bán với giá của sản phẩm có tuổi vàng cao hơn. Chẳng hạn dù công bố là vàng 68% nhưng bán với giá của loại vàng 75%. Trong khi đó, theo nhiều người tiêu dùng, vàng nào nhìn bề ngoài cũng na ná như nhau, người mua đâu biết cách nào kiểm tra, chưa kể giá vàng do tiệm công bố nên người mua phải chấp nhận. |