Cần lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia điều ước, hiệp định quốc tế

Chính trị - Ngày đăng : 06:48, 24/11/2015

(HNM) - Chiều 23-11, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, các đại biểu đều tán thành với việc thực hiện sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện mới khi Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương.


Các đại biểu (ĐB) Ngô Đức Mạnh (Đoàn Bình Thuận), Nguyễn Văn Phúc (Đoàn Hà Tĩnh) kiến nghị, ban soạn thảo nên sửa đổi để tên gọi của dự án luật là "Luật Điều ước quốc tế" vì tên gọi này đã bao gồm và đầy đủ nội hàm của việc đàm phán, ký kết và thực hiện; đồng thời cũng là cách gọi phổ biến, theo đúng thông lệ. Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Văn Phúc (Đoàn Hà Tĩnh) kiến nghị, ban soạn thảo cần tiếp thu việc thực hiện tham vấn ý kiến của các đối tượng, đặc biệt các doanh nghiệp bị tác động bởi các điều ước quốc tế mà Việt Nam sẽ ký kết hoặc phê chuẩn. Với kinh nghiệm từng được tham gia đoàn đàm phán của Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và đoàn đàm phán về việc Việt Nam tham gia WTO, ĐB Nguyễn Văn Phúc cho biết, phía doanh nghiệp của đối tác (đàm phán với Việt Nam) lại biết nhiều hơn phía các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam về nội dung đàm phán. Điều đó chứng tỏ đối tác được tham vấn ý kiến rất cụ thể…

lCũng trong chiều 23-11, với đa số phiếu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Luật Khí tượng thủy văn (KTTV). Dự thảo luật này gồm có 10 chương, 57 điều. Luật nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dự báo, cảnh báo KTTV (Chương III); trong đó quy định: Quan trắc KTTV phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất; dự báo, cảnh báo KTTV phải bảo đảm đủ độ tin cậy; thông tin dự báo, cảnh báo KTTV phải được truyền, phát kịp thời, chính xác, đầy đủ.

Luật cũng quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV phải chịu trách nhiệm về bản tin dự báo, cảnh báo KTTV do mình ban hành tại Khoản 2, Điều 21; quy định về tin dự báo, cảnh báo KTTV phải bảo đảm đủ độ tin cậy, được cập nhật thường xuyên, kịp thời theo diễn biến của hiện tượng KTTV tại Khoản 3, Điều 21. Luật cũng đã quy định các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi cố ý vi phạm các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn trong hoạt động KTTV, che giấu, không cung cấp hoặc cố ý cung cấp sai lệch, không đầy đủ các thông tin, dữ liệu KTTV tại Điều 8; quy định trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo KTTV phải xây dựng và thường xuyên cập nhật quy chuẩn kỹ thuật, quy trình dự báo, cảnh báo KTTV… Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2016.

lTrước đó, sáng cùng ngày, với đa số phiếu tán thành, QH đã thông qua Luật Thống kê (sửa đổi). Có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, Luật Thống kê (sửa đổi) gồm 9 chương, 72 điều, đã cụ thể hóa danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, phân công và phân cấp rõ ràng giữa trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố của cơ quan thống kê trung ương và bộ, ngành, địa phương… Nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thống kê từ khâu thu thập các dữ liệu hành chính, tổng hợp, xử lý, công bố thông tin thống kê và thống nhất về khái niệm, nội dung, phương pháp tính, rút ngắn thời gian thống kê, luật đã bổ sung các hình thức thu thập thống kê.

Bên cạnh đó, luật bổ sung đầy đủ quyền và trách nhiệm của nhóm chủ thể cung cấp thông tin cho ngành thống kê, nhóm chủ thể sản xuất thông tin thống kê và nhóm sử dụng thông tin thống kê. Các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Khai man, làm sai lệch dữ liệu thông tin thống kê; thực hiện sai các quy định trong phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê; tự sửa đổi thông tin khi thực hiện điều tra, báo cáo thống kê; công bố, phổ biến thông tin thống kê không chính xác; tiết lộ thông tin thống kê thuộc bí mật nhà nước…

Việt Nga - Hồ Bách