9,2 triệu USD phòng ngừa lao động trẻ em ở Việt Nam
Đời sống - Ngày đăng : 21:19, 23/11/2015
Hiện vẫn còn tình trạng trẻ em lang thang tự kiếm sống bằng nghề nhặt rác. Ảnh minh họa. Nguồn: baogialai.com.vn |
Đó là con số mà đại diện Bộ Lao động Hoa Kỳ khẳng định Tại Hội nghị triển khai Dự án "Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực Quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam" mới đây.
Đại diện Bộ Lao động Hoa Kỳ cũng cho biết, khi làm việc với Bộ LĐTB&XH Việt Nam và ILO, Bộ Lao động Hoa Kỳ mong muốn hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để giải quyết lao động trẻ em một cách hiệu quả nhất. Bộ Lao động Hoa Kỳ chia sẻ cam kết chung này nhằm hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực để bảo vệ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thúc đẩy các cơ hội cho gia đình các em.
Trước đây, qua báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 của Tổng cục Thống kê phối hợp Bộ LĐTB&XH và Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên từ 5 đến 17 tuổi. Trong đó có khoảng 1/3 là thường xuyên phải làm việc từ 42 giờ trở lên trong một tuần (trên 6 giờ mỗi ngày). Đáng chú ý, do thời gian lao động kéo dài ảnh hưởng đến việc tham gia học tập, thực tế nhiều em trong số này phải nghỉ học.
Báo cáo cũng cho biết khoảng 41,6% trẻ em tham gia hoạt động kinh tế là không đến trường hoặc đã bỏ học, trong số đó có hơn 2% là chưa bao giờ đến trường. Với nhóm lao động trẻ em phải làm việc trên 42 giờ/tuần thì tỷ lệ không đi học ở mức cao với 96%. Phần lớn trong số lao động trẻ em này đều sinh sống ở khu vực nông thôn, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và là lao động trong hộ gia đình không có lương.
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, Việt Nam đã có một số đổi mới trong chính sách phát triển xã hội liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm cải thiện môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em. Hơn nữa, Việt Nam cũng là nước đã ký, phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em. Cho nên vấn đề quyền của trẻ em đã được Việt Nam đặt lên hàng đầu trong chương trình lập pháp và đưa vào chiến lược hoặc chương trình phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm.
Dự án phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam bắt đầu được khởi động từ năm 2015 và kéo dài đến 2019 với tổng số vốn là vốn 9,2 triệu đô la Mỹ không nằm ngoài mục đích đó. Trong đó Bộ Lao động Hoa Kỳ tài trợ 8 triệu đô la Mỹ thông qua ILO. Còn Chính phủ Việt Nam đóng góp 1,2 triệu đô la Mỹ. Theo đó Dự án sẽ góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết theo như Tuyên bố của ILO đã được thông qua tại Hội nghị lao động Quốc tế vào ngày 18/6/1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc. Dự án sẽ xây dựng và củng cố nỗ lực toàn diện, có hiệu quả với sự tham gia của nhiều bên liên quan để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam.
Đại diện Bộ LĐTB&XH cho hay, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, xây dựng khuôn khổ pháp lý, chính sách vững chắc để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. Việt Nam đã thực hiện một số chương trình, dự án cấp trung ương và địa phương để giảm thiểu lao động trẻ em. Mặc dù đã có những nỗ lực như vậy, lao động trẻ em vẫn còn ở một số nơi, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức. Do đó, trong thời gian tới Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với ILO và các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan... triển khai dự án này theo các mục tiêu về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án, ngoài việc hỗ trợ cho khoảng 5.000 trẻ em có nguy cơ hoặc đang tham gia vào lao động trẻ em và khoảng 2.000 hộ gia đình khó khăn, có nguy cơ có lao động trẻ em thì hàng nghìn trẻ em cùng các hộ gia đình khác cũng được hưởng lợi gián tiếp từ Dự án.