Nhiều Đại biểu lên tiếng về quyền được sống của trẻ

Đời sống - Ngày đăng : 15:58, 23/11/2015

(HNMO) - Ngoài 16 hành vi bị nghiêm cấm đã nêu trong dự thảo luật, nhiều ĐB đề nghị phải bổ sung thêm nhiều hành vi khác để trẻ em được sống và phát triển một cách hài hòa, an toàn, lành mạnh.

Bổ sung thêm nhiều hành vi nghiêm cấm để trẻ được sống và phát triển hài hoà, an toàn, lành mạnh. Ảnh minh hoạ


Sáng 23/11, các ĐB thảo luân ở hội trường về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, thời gian qua có rất nhiều trẻ em khi mới sinh ra đã bị chính chính bố mẹ đẻ của mình bạo hành và vứt bỏ ở trong rừng, ngoài đường, ao hồ, đền chùa, thậm chí là thùng rác, vứt con mới đẻ trong nhà vệ sinh mà báo chí liên tục đưa tin. Những hành vi đó phải được pháp luật trừng trị thật nghiêm minh.

Sửa đổi Luật trẻ em lần này, Ban soạn thảo đã quy định 16 hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7 của dự luật, tuy nhiên vẫn còn thiếu một số hành vi nữa. ĐB đề nghị bổ sung vào 3 hành vi bị nghiêm cấm là bỏ mặc trẻ em, bạo lực trẻ em, bóc lột trẻ em.

ĐB Trần Thị Diệu Thuý (TP.HCM) nêu ra vấn nạn xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại cho trẻ em về thể chất, tinh thần, tình cảm, tâm lý, đạo đức, danh dự, nhân phẩm đều là những hành vi phải được nghiêm cấm. Dự thảo luật chỉ quy định nghiêm cấm hành vi xâm hại trẻ em là chưa đầy đủ. Mặt khác, bóc lột, bạo lực, sao nhãng trẻ em cũng là những hình thức xâm hại trẻ em. Vì vậy, ĐB đề nghị điều chỉnh, bổ sung vào Điều 7 là nghiêm cấm, bóc lột, bạo lực, sao nhãng, xâm hại tình dục và các hình thức xâm hại trẻ em khác.

"Tôi xin đưa ra hình tượng nàng Tô Thị là hiện thân các đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đó là người phụ nữ luôn hết mình chăm lo gia đình, yêu chồng, thương con, đó là lòng chung thủy, đức hy sinh. Một người phụ nữ hội tụ đầy đủ các đức tính tốt đẹp như vậy, nhưng cũng đã để lại đời sau những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: "Em hóa đá vì chồng, con hóa đá vì ai".

Thực tế xã hội hiện nay đã và đang xuất hiện hiện tượng có nhiều trường hợp cha, mẹ, người thân trong gia đình và người khác lại đem quyền sống của trẻ em làm công cụ phục vụ lợi ích, mục đích riêng của mình, đưa đến nhiều trường hợp trẻ em bị tước đoạt quyền được sống rất đau lòng và gây bức xúc lớn trong xã hội" - ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đưa ra thực trạng.

ĐB cũng nêu  thống kê của Tổng cục thống kê và Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, ở Việt Nam có 58% phụ nữ bị bạo hành trong gia đình. Có 68,4% trẻ em từ 11 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt tâm lý hoặc thể xác bởi các thành viên trong gia đình. Vẫn còn đến 14,6% các bậc cha, mẹ cho rằng trẻ cần bị xử phạt về thể xác.

Trên cơ sở đó, ĐB đề nghị bổ sung hành vi cấm cha, mẹ, người thân hoặc người khác tước đoạt quyền được sống của trẻ em. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của gia đình, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình về xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh nhằm bảo đảm sự phát triển hài hòa ở trẻ em.

Cũng đề xuất ý kiến về bảo vệ trẻ em, ĐB Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) nhìn nhận ở một khía cạnh khác - bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. 

"Xu hướng bạo lực trẻ em thường diễn ra ngay tại các trường trung học, đại học. Hoặc vụ bạo lực học đường thời gian qua đã gây nhức nhối, bàng hoàng trong dư luận mà một phần nguyên nhân không nhỏ là do trẻ tiếp cận với quá nhiều hình ảnh bạo lực, kích động tràn lan trên các trang web, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến. Thông tin khiêu dâm, bạo lực độc hại đang tràn lan trên mạng. Thông qua Internet, việc xâm hại tình dục trẻ em và mua bán người diễn biến khó lường, trẻ em sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân thông qua việc làm quen trên mạng nhưng lại không có kỹ năng bảo vệ mình.

Luật pháp các nước trên thế giới có nhiều quy định chặt chẽ, nhằm loại trừ những điều kiện phạm tội của trẻ em. Song, ở nước ta các thiết chế này còn quá lỏng lẻo. Do vậy, dự thảo luật cần bổ sung những quy định cụ thể, rõ ràng để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, trước diễn biến phức tạp" - ĐB Hương Sen nói.

Đồng tình với ĐB Hương Sen, ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình)   đề nghị cần bổ sung Điều 7 các hành vi bị cấm của dự thảo luật, đó là cung cấp dịch vụ internet có nội dung tuyên truyền, kích động, bảo lực, dâm ô, đồi trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc cho trẻ em.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Xâm hại trẻ em.
2. Tổ chức, hỗ trợ việc trẻ em tảo hôn.
3. Sử dụng, lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
4. Cản trở việc thực hiện các quyền trẻ em.
5. Không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về nguy cơ, tình trạng trẻ em bị xâm hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
6. Kỳ thị, phân biệt đối xử đối với trẻ em do giới, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số.
7. Để trẻ em thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật.
8. Bán cho hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích có hại cho trẻ em.
9. Sản xuất, sao chép, lưu hành, phát tán, sở hữu, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm bạo lực, khiêu dâm có nội dung, hình ảnh của trẻ em; cho trẻ em sử dụng các sản phẩm bạo lực, khiêu dâm. 
10. Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh, sở hữu, vận hành, phát tán đồ chơi, trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
11. Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của trẻ em mà không được sự đồng ý của cha, mẹ trẻ em, người giám hộ và sự đồng ý của trẻ em theo quy định của pháp luật, không vì lợi ích của trẻ em. 
12. Xúi giục trẻ em thù ghét, xúc phạm danh dự cha, mẹ, người chăm sóc, thầy giáo, cô giáo và những người khác.
13. Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để bóc lột sức lao động trẻ em; trục lợi cá nhân, hưởng chế độ, chính sách của nhà nước.
14. Đặt cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho gây độc hại, cháy, nổ, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn lớn gần cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em hoặc đặt cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, điểm vui chơi, giải trí của trẻ em gần cơ sở dịch vụ, cơ sở sản xuất, kho gây độc hại, cháy, nổ, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn lớn.
15. Lấn chiếm, sử dụng sai mục đích cơ sở vật chất dành cho việc bảo vệ trẻ em, học tập, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của trẻ em. 
16. Từ chối, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời trách nhiệm hỗ trợ, can thiệp, điều trị đối với trẻ em trong tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự. 

Bảo Hân