Chủ đầu tư thực hiện nửa vời?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 23/11/2015
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Trạm bơm tiêu Xém có tổng mức đầu tư hơn 92 tỷ đồng, do Ban Quản lý các dự án nông nghiệp - thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) làm chủ đầu tư. Sau hai năm (2010-2011) thi công, chủ đầu tư đã bàn giao các gói thầu thuộc cụm công trình đầu mối cho Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ và Công ty Điện lực Thường Tín đưa vào vận hành khai thác. Riêng gói thầu số 6 xây dựng kênh dẫn và các công trình trên kênh chưa triển khai do vướng mắc về GPMB. Ông Nguyễn Danh Vụ, Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp - thủy lợi cho biết, ngày 4-11-2013, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi và bàn giao gần 41.544m2 đất tại các xã: Nhị Khê, Hòa Bình, Nguyễn Trãi, Văn Phú (huyện Thường Tín) cho Sở NN&PTNT. Đến tháng 2-2014, UBND huyện Thường Tín phê duyệt phương án dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB đợt I gần 25,33 tỷ đồng.
Tuyến kênh tiêu nước ra Trạm bơm Xém đã bị bồi lắng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. |
Chiểu theo quyết định của thành phố, huyện Thường Tín đã chỉ đạo các xã Nhị Khê, Hòa Bình, Nguyễn Trãi, Văn Phú tổ chức họp dân thông báo công khai, dân chủ về các chủ trương, chính sách thu hồi đất, chế độ bồi thường GPMB và nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân. Chủ tịch UBND xã Văn Phú Nguyễn Hồng Tiến cho biết: Xã Văn Phú phải thu hồi 18.813m2, liên quan đến 296 hộ dân với tổng số tiền chi trả là 26,5 tỷ đồng. Địa phương đã tiến hành kiểm đếm, niêm yết công khai danh sách, diện tích đất, công trình kiến trúc, hoa màu của từng hộ gia đình bị thu hồi, sau đó gửi phương án chi tiết số tiền chi trả cho từng hộ dân từ cuối năm 2013. Thế nhưng không hiểu lý do gì, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa chuyển kinh phí cho địa phương để chi trả cho nhân dân.
Do dự án giẫm chân tại chỗ quá lâu, người dân xã Văn Phú yêu cầu chính quyền địa phương làm rõ nguyên nhân chưa chi trả tiền bồi thường GPMB cho nhân dân. Ông Nguyễn Văn Tiêu, Đội 1, thôn Văn Trai (Văn Phú) cho biết, gia đình có hơn 750m2 đất quỹ 2 trồng bưởi, nhãn cho thu hoạch ổn định. Khi UBND xã và huyện về kiểm đếm, gia đình đã tự nguyện chặt bỏ cây ăn quả, bàn giao toàn bộ diện tích cho chủ đầu tư. Thế nhưng đã gần 3 năm trôi qua vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Cũng như gia đình ông Tiêu, gia đình ông Lưu Quốc Hội, Trần Văn Ngoạn và nhiều hộ dân khác cũng mong muốn nhận được kinh phí bồi thường GPMB. Theo ông Nguyễn Văn Tú, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Văn Phú, việc triển khai dự án nửa vời khiến hệ thống cống tiêu, thoát nước hai bên tuyến kênh dẫn bị bồi lấp. Khi trời mưa thường gây úng ngập ở các khu vực Đồng Gồ, Đầm A, Đầm B, Chợ Duối... với diện tích lên tới hàng trăm héc ta, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp của nhân dân.
Nhằm hạn chế thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, huyện Thường Tín phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ xây dựng phương án tưới, tiêu bảo đảm phục vụ công tác phòng, chống ngập úng và sản xuất nông nghiệp, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Để chủ động trong công tác phòng chống ngập úng, huyện Thường Tín đề nghị các sở, ngành liên quan xem xét đề xuất phân bổ kinh phí và tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của dự án. Nếu dự án vẫn đắp chiếu như hiện nay sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của huyện Thường Tín và gây bức xúc trong nhân dân...