Lúng túng vì vướng thủ tục
Bất động sản - Ngày đăng : 07:07, 23/11/2015
Được chính quyền thôn Ứng Hòa và xã Lam Điền (Chương Mỹ) vận động và hứa tạo điều kiện cho phép chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi, ông Đặng Đình Thi và 17 hộ dân đã nhận khu đất ở Xứ Đồng 29. Đây là khu vực xa dân cư, đất trũng chỉ cấy được một vụ lúa, năng suất bấp bênh. Thế nhưng từ năm 2013 đến nay, các hộ dân này vẫn chưa được chính quyền địa phương cho phép chuyển đổi. Sốt ruột, các hộ đã tự ý đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi... Dù xã, huyện có "làm ngơ", chưa xử lý vi phạm, nhưng ngành điện và ngân hàng không chấp nhận cấp điện sản xuất, cho vay vốn, bởi các hộ chỉ có biên bản giao đất. Điều đó khiến các hộ chỉ sản xuất cầm chừng.
Chưa có “sổ đỏ” nên nhiều hộ nông dân không dám mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Ảnh: Thành An |
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lam Điền Đặng Đình Bình, Xứ Đồng 29 nằm trong quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương. Các hộ dân chưa được phê duyệt phương án chuyển đổi là do chưa được cấp GCN quyền sử dụng đất nông nghiệp. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Đỗ Xuân Tình cho biết: Sau DĐĐT, hệ thống bản đồ địa chính các khu đất nông nghiệp đã bị phá vỡ về hình thể thửa đất; số thửa, số tờ bản đồ bị thay đổi… nên gặp khó khăn trong công tác cấp lại GCN cho các hộ dân. Mặt khác, do chưa được thanh, quyết toán nên đơn vị tư vấn chưa bàn giao hồ sơ, bản đồ cho địa phương để thực hiện công tác thẩm định làm căn cứ cấp GCN…
Không riêng Chương Mỹ, các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mê Linh, Sóc Sơn… cũng đang lúng túng và gặp nhiều vướng mắc trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất nông nghiệp sau DĐĐT. Nguyên do là kinh phí thực hiện nhiệm vụ này quá lớn, vượt quá khả năng của các địa phương. Đơn cử như huyện Phú Xuyên cần hơn 20 tỷ đồng, huyện Phúc Thọ 22,4 tỷ đồng, huyện Chương Mỹ 55 tỷ đồng…
Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND của UBND thành phố về thí điểm một số chính sách khuyến khích, phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn Hà Nội, giai đoạn 2012-2016 nêu rõ: "Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại GCN quyền sử dụng đất sau DĐĐT xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp thành phố bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện…". Tuy nhiên, đến nay, các địa phương vẫn chưa được bố trí kinh phí thực hiện.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri, nhân dân và chính quyền các địa phương đều kiến nghị thành phố sớm phân bổ kinh phí hỗ trợ việc đo đạc, cấp đổi GCN để các hộ dân yên tâm sản xuất. Ngày 6-11-2015, Sở Tài chính mới có Văn bản số 5918/STC-NSQH đề nghị các huyện, thị xã giao phòng tài nguyên và môi trường chủ trì, hướng dẫn các xã lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện đo đạc, chỉnh lý bản đồ; lập hồ sơ địa chính, cấp GCN và lập dự toán kinh phí thực hiện. Hồ sơ thiết kế, kỹ thuật, chỉnh lý bản đồ và các tài liệu liên quan do phòng tài nguyên và môi trường thẩm định, trình UBND huyện, thị xã phê duyệt. Căn cứ dự toán được duyệt, phòng tài chính - kế hoạch phối hợp với phòng tài nguyên và môi trường thẩm định chi phí thực hiện công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp lại GCN, trình UBND huyện, thị xã bổ sung kinh phí cho các xã thanh toán các khoản chi phí cho các đơn vị liên quan; đồng thời tổng hợp dự toán và quyết toán kinh phí, lập báo cáo kết quả thực hiện cấp GCN cho các hộ nông dân gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND thành phố… Theo các trình tự nêu trên, để có GCN, nông dân phải chờ các cơ quan giải quyết hàng loạt thủ tục.
Việc cấp GCN sau DĐĐT không những giúp cho chính quyền làm tốt công tác quản lý nhà nước, giải quyết các tranh chấp liên quan về đất đai mà còn giúp cho nông dân yên tâm đầu tư, sử dụng hiệu quả mảnh đất được giao, thuận lợi trong các giao dịch dân sự... Để đẩy nhanh tiến độ cấp lại GCN đất nông nghiệp sau DĐĐT, đề nghị các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc...