Không nên "đóng khung" ý tưởng

Văn hóa - Ngày đăng : 06:43, 22/11/2015

(HNM) - Trung tuần tháng 11, lão nhà văn nổi tiếng với bộ ba tác phẩm "Hồ Quý Ly", "Mẫu thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa" Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục gây chú ý khi tái bản cuốn "Hoang tưởng trắng" mà ông viết từ những năm 1973-1974.

Khoan nói về tác phẩm, cho dù đây là một câu chuyện dài, một sự kiện trong đời văn Nguyễn Xuân Khánh nói riêng và của văn học đương đại nói chung, điều mà bạn văn, người làm xuất bản nhắc đến dịp này là cái sự lạ lùng thú vị trong câu chuyện "bếp núc" của nhà văn khi từ xưa tới nay Nguyễn Xuân Khánh luôn "viết tiểu thuyết bằng tay", kể cả bộ ba tác phẩm có dung lượng hàng nghìn trang kể trên. Từ đây, Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ, nơi đỡ đầu nhiều tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh, đã có ý tưởng lập một bảo tàng nho nhỏ về các nhà văn và những tác phẩm từng ra đời từ nơi này.

Chuyện tưởng là của riêng một NXB, nay trở nên sôi nổi hơn khi ai nấy bỗng thấy giật mình mỗi dịp nghĩ đến khối tài sản vô giá là những trang bản thảo viết tay một thời của các nhà văn Việt Nam. Mà không chỉ là bản thảo viết tay, còn rất nhiều kỷ vật, tác phẩm, tài liệu… có thể giúp lưu giữ, nghiên cứu về một đời văn, một giai đoạn, một trào lưu, nói rộng ra là một nền văn học. Đành rằng cũng có những người làm sưu tầm còn giữ được bản thảo như nhà văn Ngô Thảo hay nhà nghiên cứu theo đuổi "món" văn bản học như Lại Nguyên Ân… nhưng ai cũng biết sự cố gắng của vài cá nhân là chưa đủ đối với một phần việc đòi hỏi sự tham gia của văn giới nói chung. Đó là điều cần, bởi sự thất thoát bản thảo viết tay của những tác phẩm văn học giá trị là chuyện có thật, như Báo Hànộimới từng đề cập.

Vì vậy, một bảo tàng nho nhỏ ở chính mỗi NXB không nên dừng ở ý tưởng, mà nên được thúc đẩy để ý tưởng đó nhanh chóng trở thành hiện thực. Mai này, hàng chục và thậm chí là hàng trăm năm sau, ngoảnh nhìn lại mới thấy rõ là ý tưởng ấy cho hiệu quả lớn lao đến nhường nào...

Người Lái Đò