Nhật Bản ưu tiên cải cách nông nghiệp

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:34, 22/11/2015

(HNM) - Không chỉ được biết đến là đất nước công nghiệp phát triển với những hãng điện tử, ô tô nổi tiếng bậc nhất thế giới, Nhật Bản còn là quốc gia đi đầu áp dụng những tiến bộ khoa học trong nông nghiệp.



Việc đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiếp tục là trọng tâm ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe.

Để cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế táo bạo trên, cách đây hơn một năm, Chính phủ Nhật Bản đã cho thành lập đặc khu nông nghiệp chiến lược quốc gia tại TP Niigata. Theo đó, các hàng rào chính sách vốn được dựng lên trước đây để bảo vệ vai trò trung tâm của người nông dân đã được xóa bỏ, mà thay vào đó là khuyến khích các tập đoàn lớn tham gia sản xuất nông nghiệp. Với những thay đổi căn bản này, Chính phủ hy vọng rằng Niigata là nơi sẽ cho thấy bộ mặt tương lai của ngành Nông nghiệp Nhật Bản.


Thị trưởng TP Niigata Akira Shinoda chia sẻ: "Chính sách cũ của Nhật Bản là không để người nông dân bỏ ruộng, với việc dựng lên nhiều rào cản không cho các công ty tư nhân tham gia sản xuất nông nghiệp. Song, hiện nay đất ruộng bỏ hoang quá nhiều, người nông dân canh tác không hiệu quả. Vì thế, đây là thời điểm thích hợp nới lỏng các rào cản đối với các công ty tư nhân".

Với thay đổi này, lần đầu tiên Chính phủ cho phép các công ty được góp vốn với người nông dân mua hoặc thuê đất để trồng lúa. Cùng với đó, chuỗi cửa hàng tiện ích của Lawson trở thành công ty đầu tiên trong cả nước tham gia mô hình mới này. Chính phủ Nhật Bản cũng cho thử nghiệm các công nghệ canh tác mới, chuỗi sản xuất kết hợp tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Những thử nghiệm này tại Niigata nếu thành công sẽ được nhân rộng ra phạm vi toàn quốc trong thời gian tới.

Việc xây dựng đặc khu nông nghiệp chiến lược quốc gia tại TP Niigata nằm trong chiến lược cải cách nông nghiệp được Chính phủ Nhật Bản công bố tháng 7-2014. Theo đó, đất nước Mặt trời mọc sẽ mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ; đồng thời tăng cường sử dụng công nghệ sạch và robot trong sản xuất nông nghiệp. Chiến lược này cũng ưu tiên tăng cường hiệu quả sử dụng đất và tập trung đất đai vào các nhà sản xuất lớn để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành; tăng xuất khẩu lương thực đã qua chế biến; phổ biến văn hóa ẩm thực Nhật Bản trên thế giới. Theo quy định trong chiến lược, nông dân và doanh nghiệp mới tham gia sản xuất được quyền mua đất, thay vì chỉ được thuê lại. Đặc biệt, chiến lược cải cách nông nghiệp được tập trung đầu tư vào hai tỉnh hàng đầu về nông nghiệp của Nhật Bản là Niigata và Fukui.

Hiện nông nghiệp Nhật Bản chỉ chiếm hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 5% lực lượng lao động. Với dân số hơn 127 triệu người và diện tích đất nông nghiệp là 4,69 triệu héc ta, diện tích đất nông nghiệp bình quân trên đầu người của Nhật Bản vào loại thấp thế giới. Thế nhưng, nông nghiệp Nhật Bản có những đặc điểm tương đối khác so với các nền nông nghiệp khác. Nhật Bản coi an ninh lương thực là mục tiêu số một, nên ngành Nông nghiệp được bảo hộ rất cao và được khuyến khích theo kiểu tự cung, tự cấp thông qua hạn chế nhập khẩu tối đa. Điều đó dẫn tới giá nông phẩm cao.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhật Bản cần phải cải cách nông nghiệp quyết liệt khi tham gia sân chơi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về nguyên tắc, các nước thành viên TPP sẽ phải dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm trong vòng 10 năm. Nếu Nhật Bản không cải cách ngành Nông nghiệp thì nhiều khả năng nông sản nhập khẩu giá rẻ sẽ tràn ngập đất nước Mặt trời mọc khi TPP có hiệu lực. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi từ mô hình canh tác nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất đại quy mô khi kết hợp giữa nông dân với các công ty phân phối được xem là bước chuẩn bị cần thiết của Nhật Bản trước sân chơi cạnh tranh TPP.

Tuấn Minh