Sau lời hứa là hành động

Bạn đọc - Ngày đăng : 11:47, 21/11/2015

(HNM) - Phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII với tinh thần đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với cử tri cả nước. Nhiều vấn đề nóng, thời sự đã được đại biểu Quốc hội đặt ra và qua trả lời chất vấn, nhân dân đã hiểu hơn hoạt động, vai trò của các


Tôi và một số anh chị em trong cơ quan thường thắc mắc thời gian qua việc thu thuế, giá tiêu dùng, cải cách giáo dục... đang ở giai đoạn nào, tác động cụ thể đến đời sống người dân ra sao. Những câu hỏi này thường đặt ra mỗi khi Nhà nước công bố số liệu thống kê hay những quy định mới xung quanh những vấn đề trên với những khẳng định chung chung, đại loại như đã làm theo đúng chuẩn mực quốc tế, đúng quy định hiện hành. Thế nhưng, cụ thể là thế nào không ai nắm được.

Qua theo dõi truyền hình trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười, chúng tôi đã có cơ sở tìm hiểu, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện các nội dung chất vấn đã được đưa vào Nghị quyết Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay của từng "tư lệnh" ngành, nhất là với những vấn đề dân sinh bức xúc như đã nêu. Cũng qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, rõ ràng có thể thấy, chủ trương không chất vấn theo nhóm vấn đề, không chọn vị bộ trưởng, trưởng ngành cụ thể mà hầu hết thành viên Chính phủ có mặt để sẵn sàng trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội đã khiến không khí phiên họp sôi động hơn, giúp các đại biểu có điều kiện chất vấn đến cùng nhiều vấn đề mà cử tri quan tâm với những dẫn chứng hết sức cụ thể. Sau 2,5 ngày, đã có 54 lượt đại biểu thảo luận và đặt câu hỏi chất vấn. Trong đó, riêng Thủ tướng nhận được 27 câu hỏi của 18 đại biểu. Các bộ trưởng, trưởng ngành cũng nhận khoảng 140 chất vấn. Lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội đăng đàn trả lời 3 câu hỏi.

Về phương diện trả lời, các bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, thực tế, giải quyết được những vấn đề dư luận đặt ra, liên quan đến an toàn thông tin mạng, chính sách thu hút đầu tư, vì sao lộ trình tăng lương chưa thực hiện được, điển hình là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Thông tin và Truyền thông. Trong lĩnh vực công thương, trước những câu hỏi liên quan đến chính sách di dân, tái định cư thủy điện; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hay công tác quản lý thị trường… Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình rất cụ thể bằng những số liệu thuyết phục. Đối với những chất vấn liên quan đến trách nhiệm chung của Chính phủ hoặc trách nhiệm thuộc nhiều bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp trả lời. Để đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước thấy rõ cam kết của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ. Song, cử tri cũng chưa vui khi có bộ trưởng nắm chưa sát vấn đề nổi cộm của ngành mình hoặc nắm được nhưng chưa giải quyết được. Ví dụ như giám sát về đất đai nông, lâm trường, cử tri mong muốn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỗ nào, vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường ra sao đều chưa rõ. Và đặc biệt công tác cải cách giáo dục, có nên học lịch sử theo hướng tích hợp không; vai trò của kiểm toán, thanh tra với công tác phòng chống tham nhũng thế nào vẫn chưa rõ.

Cũng qua phiên chất vấn cho thấy, dù hình thức chất vấn được cải tiến, song nội dung có lúc lại không theo kịp. Chủ tịch Quốc hội đã thể hiện thái độ không hài lòng về phần trả lời của một số bộ trưởng, trưởng ngành còn lòng vòng, không rõ ý. Vẫn còn tới 1/3 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn vì đã hết thời gian. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm. Nên chăng tăng thời gian chất vấn thành 3,5 ngày thay vì 2,5 ngày như thông lệ để đại biểu Quốc hội có thêm thời gian trao đi đổi lại những vấn đề còn tồn tại trước sự gửi gắm của cử tri cả nước. Các bộ trưởng không cần giải trình những nội dung đã làm, thay vào đó thể hiện bằng văn bản và đi thẳng vào câu hỏi của đại biểu. Sau kỳ họp Quốc hội, có những động thái cụ thể cho thấy sự vào cuộc nỗ lực hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành để khắc phục những nội dung còn hạn chế, yếu kém như: Vi phạm quản lý đất đai; ô nhiễm các làng nghề chậm được xử lý; một số chính sách giảm nghèo chồng chéo; tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm để giải tỏa hơn nữa lo lắng của cử tri. Đây sẽ là niềm tin cho nhân dân trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới.

Chử Thu Thảo