Trách nhiệm quan trọng của phụ huynh

Giáo dục - Ngày đăng : 11:38, 21/11/2015

(HNM) - Internet đã trở nên rất quen thuộc đối với đông đảo thanh, thiếu niên, nhất là ở những thành phố lớn. Khi tham gia vào môi trường mạng, bên cạnh mặt tích cực được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, trẻ phải đối mặt với nguy cơ bị lừa gạt, dụ dỗ, bị lợi dụng hoặc truy cập vào những nội dung tiêu cực, bạo lực, đồi trụy…


Những nguy cơ

Đại tá Trần Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, lạm dụng, dâm ô trẻ em, nhất là trẻ em nam là phương thức phạm tội mới, nhưng chưa được xã hội và các bậc phụ huynh quan tâm đúng mức. Bọn tội phạm đã sử dụng nhiều thủ đoạn: Thành lập các diễn đàn chia sẻ phim ảnh đồi trụy trẻ em qua mạng, rủ rê gặp gỡ để xâm hại trẻ em; lợi dụng các mạng xã hội, phòng chát ảo, game online để làm quen, tiếp cận, sau đó dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc để thực hiện hành vi xâm hại; lợi dụng mạng internet để lôi kéo, dụ dỗ trẻ tham gia mãi dâm, sử dụng, mua bán chất ma túy, trộm cắp; đe dọa, gây áp lực dẫn đến hậu qua nghiêm trọng về tâm lý, sức khỏe, học tập của trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. Trong khi đó, việc truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên các website, diễn đàn xã hội trong những năm gần đây đã gia tăng nhanh chóng khiến bất kỳ trẻ nào truy cập mạng đều có nguy cơ bị xâm hại, lợi dụng.

Ảnh minh họa


Đại tá Trần Văn Doanh cho biết, thông qua chuyên án "Đấu tranh với các đối tượng truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên trang web vkid.tv" mới thấy rõ thủ đoạn hết sức tinh vi của loại tội phạm mới này. Chỉ trong thời gian ngắn, với khoảng 1.500 thành viên, diễn đàn vkid.tv đã chia sẻ, mua bán hàng nghìn phim, ảnh đồi trụy đồng tính trẻ em nam. Thủ đoạn của chúng là tổ chức gặp mặt, cho tiền chơi game, lôi kéo trẻ em nam đến bể bơi, nhà riêng, quán game để lợi dụng, dâm ô… Không chỉ vậy, nhóm này đã sử dụng internet lừa đảo, đe dọa, ép buộc hoặc giả làm bé gái dụ dỗ các bé trai tự làm phim khiêu dâm để phát tán lên mạng...

Cha mẹ là người bảo vệ hiệu quả nhất

Theo kết quả nghiên cứu về tác động của môi trường mạng với trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH, có 36,4% trẻ bị bắt nạt qua mạng, 15,7% trẻ bị dụ dỗ, gạ gẫm tình dục qua mạng, 13,2% trẻ tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm qua mạng. Việc này rất có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập và cuộc sống vị thành niên. Trên thực tế, nhiều trẻ cảm thấy sợ hãi, thiếu tự tin, có các dấu hiệu trầm cảm, rối loạn hành vi, rối loạn ăn uống và thậm chí có ý định tự tử… Dù vậy, khả năng ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn này của trẻ và cha mẹ hiện chưa phù hợp. Nhiều năm nghiên cứu về tác động của môi trường mạng với trẻ em, bà Quách Thu Trang (Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số - CCIHP) cho rằng, các bậc phụ huynh và trẻ hiện chưa quan tâm đúng mức đến các nguy cơ tác động đến trẻ từ môi trường mạng. Có khá nhiều trường hợp, học sinh nữ xin tư vấn của chương trình tư vấn trực tuyến tamsubantre.org về việc làm quen trên mạng, hẹn gặp ở tỉnh xa và phải đi vài ngày để gặp bạn. Các học sinh này chỉ lo lắng về việc bị đánh giá là "dễ dãi" mà không hề nghĩ đến các nguy cơ có thể xảy ra cũng như việc chuẩn bị ứng phó với rủi ro để có thể tự bảo vệ…

Môi trường mạng mở ra nhiều cơ hội và cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Để tận dụng được nhiều nhất các cơ hội, loại trừ các nguy cơ cho trẻ sử dụng mạng, Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đã xây dựng đề án Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, quy định rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể trong bảo vệ, phát hiện, phòng ngừa các nguy cơ, can thiệp hỗ trợ trẻ. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng của các cơ quan chức năng nhà nước, tổ chức xã hội dân sự, doanh nghiệp và cộng đồng về kiến thức, kỹ năng, trình độ sử dụng CNTT. Cán bộ tư pháp sẽ được trang bị kỹ năng phát hiện, điều tra, xử lý các trường hợp bóc lột tình dục và xâm hại trẻ trong môi trường mạng. Các công ty phần mềm có trách nhiệm phát hiện, thông báo, ngăn chặn các tài liệu, thông tin liên quan đến khiêu dâm, bóc lột tình dục và xâm hại trẻ trong môi trường mạng. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia bảo vệ trẻ em trên mạng; xây dựng các hệ thống cảnh báo, phát hiện, khai báo trực tuyến cũng như triển khai nội dung trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh sẽ được ưu tiên thực hiện. Nhưng trước hết, trong từng gia đình, các bậc cha mẹ hãy tỉnh táo để hướng dẫn, giúp con có đủ năng lực tự bảo vệ bản thân. Hơn ai hết, cha mẹ chính là người bảo vệ hiệu quả nhất, giúp con lựa chọn được những nội dung bổ ích, phù hợp, nhận ra những dấu hiệu không an toàn để từ chối, biết cách chia sẻ để bảo vệ cho bản thân.

Linh Chi