Có chuyển biến, nhưng cần quyết liệt

Đời sống - Ngày đăng : 11:30, 21/11/2015

(HNM) - Thực hiện Năm trật tự và văn minh đô thị 2015, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, tháng 5-2015, Công an thành phố (CATP) quyết định thí điểm thiết lập trật tự trên 8 tuyến phố để tạo chuyển biến và nhân rộng. Kết quả cho thấy, dù đã có chuyển biến nhưng để bảo đảm và duy trì được trật tự công cộng (TTCC),


Năm 2015 tiếp tục được thành phố xác định làm Năm trật tự và văn minh đô thị, trong bối cảnh bức tranh chung về TTCC, TTĐT đã có chuyển biến. Song Thường trực Ban chỉ đạo (BCĐ) 197 thành phố thẳng thắn cho rằng, nhiều địa bàn vẫn còn tình trạng sử dụng lòng đường, hè phố làm nơi kinh doanh buôn bán. Tình trạng chợ xanh, chợ cóc họp không đúng quy định không phải là hiếm gặp. TTĐT tại các địa bàn giáp ranh còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là địa bàn có các tuyến phố chính, xuyên tâm... Trong bối cảnh đó, CATP đã chủ động chọn 8 địa bàn để thí điểm thiết lập TTCC, TTĐT với 4 tiêu chỉ rất cụ thể: Có vạch sơn sắp xếp phương tiện; không chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh; không đặt biển quảng cáo trên hè phố, dưới lòng đường, trên cây; không sử dụng mái che, mái vẩy...

Tuyến đường Hàng Đào thông thoáng, thuận tiện cho khách du lịch tham quan phố cổ Hà Nội.
Ảnh: Khánh Nguyên


Chỉ với 4 tiêu chí đó, qua 5 tháng thực hiện, lực lượng CA các cấp đã phải hết sức nỗ lực mới bước đầu thiết lập và duy trì trật tự. Đại tá Nguyễn Xuân Đình, Trưởng phòng CSTT-CATP cho biết, trong 5 tháng, đơn vị đã cử nhiều tổ công tác kiểm tra, phối hợp làm việc với chỉ huy CA các quận, các đội CSGT, trật tự, phản ứng nhanh của các quận, CA 68 phường liên quan để thường xuyên đôn đốc thực hiện kế hoạch. Trong 5 tháng, CATP đã huy động hơn 32.000 lượt CBCS, hơn 42.300 lượt cán bộ tự quản và các lực lượng khác tuần tra, kiểm soát kết hợp xử lý vi phạm. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý hơn 8.600 trường hợp vi phạm về TTĐT, TTATGT... Với sự cố gắng đó, hầu hết các tuyến đã có sự chuyển biến bước đầu.

Tuy nhiên, việc thực hiện thí điểm tuyến phố bảo đảm TTCC, TTĐT cũng còn nhiều khó khăn, tồn tại. Về mặt chủ quan, công tác tuyên truyền còn chung chung, thiếu quyết liệt khi không "chỉ tên" được vi phạm cụ thể. Việc nhắc nhở, xử lý cũng chưa được duy trì thường xuyên, chưa sát với thực tế vi phạm, chưa huy động được lực lượng đoàn thể quần chúng cùng tham gia mà vẫn chủ yếu là CA thực hiện. Lực lượng mỏng khiến cho việc khép kín thời gian, địa bàn chưa đạt, dẫn đến khả năng tái vi phạm cao... Đáng tiếc hơn cả là việc sắp xếp phương tiện trên tuyến phố điểm chưa được thực hiện thống nhất. Nơi thì quy định để xe máy, xe đạp sát tường nhà, nơi thì lại kẻ vạch sắp xếp xe sát mép hè phố. Điều này thể hiện tính thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các địa bàn.

Để khắc phục hạn chế cố hữu trên không thể một sớm một chiều. CATP cũng đã đề ra một số công tác trọng tâm thời gian tới nhưng chủ yếu vẫn hướng tới mục tiêu duy trì kết quả đã đạt được, khắc phục một số hạn chế mang yếu tố kỹ thuật.... Thêm nữa, cơ quan CA cũng chưa có cơ chế để trao đổi, kiến nghị và kết nối với các cơ quan chức năng khác cũng như chính quyền và đoàn thể các cấp để biến kế hoạch của mình thành kế hoạch, hành động chung. Vì vậy, trong nhiệm vụ "thí điểm thiết lập trật tự trên một số tuyến phố TTCC, TTĐT ", lực lượng CA còn khá đơn độc...

Công bằng mà nói, nhiều vi phạm về TTĐT đã trở thành thói quen của người dân, thường gắn với việc buôn bán nhỏ của các hộ gia đình. Đa phần hộ kinh doanh mới thấy cái lợi trước mắt chứ chưa nhận thức được giá trị lâu dài của TTCC, TTĐT đối với môi trường dịch vụ - du lịch của thành phố... Trách nhiệm của cơ quan chức năng là cần có mô hình tuyên truyền phù hợp, sát thực tế và kiên trì. Nhiệm vụ đó đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan, đoàn thể. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, xử lý cần theo hướng chủ động, quyết liệt hơn nữa, nhất là với những vi phạm tái diễn nhiều lần, các tụ điểm "nóng" về TTĐT. Để làm được việc đó, cả hệ thống chính trị phải thống nhất về quan điểm, chung quyết tâm hành động, từ đó mới khắc phục được những khó khăn về lực lượng, nội dung hoạt động, về hạn chế trong phối hợp.

8 tuyến phố thí điểm bảo đảm TTCC, TTĐT gồm: Lê Duẩn - Giải Phóng; Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy - Hàng Than; Hàng Bài - Phố Huế; Bà Triệu; Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung; Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn; Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh; Cầu Giấy - Xuân Thủy. Qua 5 tháng thí điểm, hè phố đã thông thoáng hơn; chủ cửa hàng, cửa hiệu có ý thức sắp xếp gọn gàng, đúng quy định. Phương tiện đỗ, để trái phép giảm rõ rệt. Công tác tuần tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm được CA thực hiện bằng hình thức đi xe đạp, đi bộ. Bước đầu, việc thực hiện 4 tiêu chí (kẻ vạch hè phố, sắp xếp phương tiện; không chiếm dụng hè phố, lòng đường để kinh doanh; không đặt biển quảng cáo trên hè phố, lòng đường, trên cây; không sử dụng mái che, mái vẩy) được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ủng hộ.


Thành Tâm