Xã hội ảo, cuộc đời thực!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 21/11/2015
1. Chưa hết bàng hoàng khi những thông tin về cuộc khủng bố đẫm máu ngày 13-11 ở Paris (Pháp) dội về, cộng đồng người dùng internet Việt Nam mấy ngày qua lại lo lắng, phẫn nộ khi một số kẻ mù quáng đã lợi dụng sự kiện đau buồn này để phát tán thông tin độc hại. Đó là không ít các thành viên mạng xã hội (MXH) Việt Nam đã đưa ra những lời lẽ rất nặng nề liên quan đến đức tin của phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - nhóm tự nhận là tác giả của vụ khủng bố tại Paris. Một số người còn đăng tải ảnh khiêu dâm, ảnh mô phỏng những vụ hành quyết của IS... Ngay sau sự việc này, Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và tuyên bố sẽ xử lý nghiêm những cá nhân lợi dụng MXH để phát tán thông tin độc hại.
Sự việc trên chỉ là đỉnh điểm của câu chuyện một bộ phận công dân đã coi "thế giới ảo", MXH không liên quan đến cuộc đời thực nên có những hành động vô thức. Chúng ta cũng thấy hiển hiện nguy cơ sử dụng môi trường internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy, những thông tin độc hại, phản cảm nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu; gieo rắc tư tưởng, tổ chức các hoạt động khủng bố, phá hoại. Cá biệt, đã có những vụ tự tử, giết người... mà công cụ hỗ trợ đắc lực chính là thông tin trên MXH. Cũng có nhiều "anh hùng bàn phím" chỉ lên mạng với những lời đao to búa lớn nhưng khi đòi hỏi có một chút đóng góp cho xã hội thì lại "lặn mất tăm"… Đáng lưu ý, tần suất những vụ việc kiểu như trên lại xảy ra ngày một dày hơn và là các thông tin được đọc, chia sẻ và lan truyền rất nhanh, gây nên các hiệu ứng và hậu quả không tốt trong xã hội.
2. Trong "thế giới phẳng" ngày nay, "bàn phím" cũng có thể giết người ngay tức khắc thông qua những bình luận (comment) hoặc cuốn mọi người vào "cái chết từ từ" thông qua sự tưởng tượng vào một thế giới ảo mà lãng quên cuộc đời thực.
Một nghiên cứu của Đại học Michigan, Mỹ đã chỉ ra rằng: Hầu hết mọi người chỉ chia sẻ "những khoảnh khắc lung linh" của bản thân trên MXH. Do đó, việc dành quá nhiều thời gian săm soi những điều vui vẻ của người khác chỉ khiến bản thân bạn cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt.
Điều đáng lưu tâm là độc giả chính của MXH là giới trẻ, trong đó rất nhiều người chưa đủ tri thức, vốn sống và kỹ năng sống nên mặc nhiên coi những thông tin, hình ảnh đọc - xem được là sự thật. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường về nhân cách, lý tưởng sống của thế hệ trẻ. Hệ quả ra sao nếu những câu chuyện này kéo dài chắc không khó để nhận định.
Trước những thực tế đang diễn ra, ngày 20-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng "Vì một môi trường internet trong sạch và tinh khiết". Sau khi điểm lại những lợi ích do internet mang lại, Thủ tướng nhấn mạnh, các nguy cơ và tác động tiêu cực từ internet hiện hữu và rất đa dạng, đó là: Nguy cơ gián điệp mạng, tấn công làm tê liệt hoặc chiếm quyền kiểm soát các trang web... Từ đó, Thủ tướng kêu gọi mọi người hãy là những công dân có trách nhiệm cao khi sử dụng MXH nói riêng và internet nói chung. Hãy đưa thông tin, hình ảnh, số liệu một cách có ý thức, có trách nhiệm và chia sẻ thông tin, hình ảnh, số liệu cũng với ý thức và trách nhiệm cao. Các "công dân mạng" hãy cùng nhau đấu tranh vì lẽ phải, công bằng và những giá trị cao đẹp để thiết lập, duy trì và phát triển môi trường internet văn minh ở Việt Nam…
"Vì một môi trường internet trong sạch và tinh khiết" có thành công hay không đòi hỏi nỗ lực trước hết từ mỗi cá nhân, sau đó là đến vai trò của các tổ chức, cơ quan quản lý liên quan đến lĩnh vực này.