Ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 20/11/2015
Lo ngại thất thoát ngân sách...
ĐB Thân Đức Nam cho biết: Khung pháp luật thiếu chặt chẽ tạo kẽ hở dẫn đến tiêu cực trong thi hành nhiệm vụ, tình trạng thông đồng, "quân xanh, quân đỏ" làm mất niềm tin và xâm hại quyền lợi của người có tài sản đấu giá. ĐB Thân Đức Nam đề nghị dự án luật cần tập trung chế định chặt chẽ, không để tiêu cực lợi dụng và dẫn chứng: Có địa phương giao cho trung tâm đấu giá 3ha đất. Tiêu chí đưa ra là quy hoạch thành trung tâm thương mại với giá khởi điểm 30 triệu đồng/m2. Tất cả nhà đầu tư đến nghiên cứu tham khảo thấy không khả thi, không mua hồ sơ đấu giá. Sau đó, một nhà đầu tư khác được chỉ định. 6 tháng sau, nhà đầu tư này xin chuyển đổi mục đích từ xây dựng trung tâm thương mại thành dự án chung cư, khách sạn, giá từ 30 triệu đồng/m2 thành 60 triệu đồng/m2.
"Đây là một dạng làm thất thoát ngân sách. Dự án Luật Đấu giá tài sản cần xác định rõ quy hoạch, tiêu chí đấu giá. Nếu làm sai quy hoạch do lý do khách quan thì phải buộc nhà đầu tư phải nộp tiền chênh lệch vào ngân sách" - ĐB Thân Đức Nam đề nghị.
|
Trước khả năng có sự "móc ngoặc" thông đồng của đấu giá viên và người tham gia đấu giá khiến các cuộc đấu giá chỉ là hình thức, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Đoàn Cần Thơ) cũng đề nghị luật phải có quy định ngăn chặn tình trạng "quân xanh, quân đỏ", đồng thời dừng ngay việc tổ chức đấu giá khi phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục, có chế tài xử phạt nghiêm khắc, nhất là trong đấu giá tài sản của Nhà nước.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Đoàn Tây Ninh) nhận định, mấu chốt vấn đề là hiện nay, việc quản lý công tác đấu giá chưa được coi trọng. Có tình trạng phó mặc tài sản cho doanh nghiệp, không kiểm tra diễn biến đấu giá. Nguyên tắc đấu giá cần độc lập, trung thực, khách quan, vì thế cần quy định trách nhiệm đối với cả những người thực hiện quản lý vì đây là đối tượng có khả năng tác động đến các cuộc đấu giá.
...Và xử lý nợ xấu
Liên quan đến vấn đề "nóng" hiện nay là xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, trước thềm phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về dự án Luật Đấu giá tài sản ngày 19-11, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra về vấn đề này.
Theo Chính phủ, thời gian qua, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được trao một số cơ chế đặc thù trong việc bán đấu giá để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng. Nếu dự án Luật Đấu giá tài sản giao Chính phủ căn cứ các nguyên tắc chung của luật quy định chi tiết việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu sẽ vừa bảo đảm tính chặt chẽ, khách quan, minh bạch, vừa linh hoạt, kịp thời của việc xử lý nợ xấu.
Nhất trí với chủ trương trên, ĐB Thân Đức Nam, ĐB La Ngọc Thoáng cho rằng, đây là lĩnh vực mới, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, để Chính phủ quy định sẽ tạo sự cơ động và linh hoạt. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong những tình huống nhất định, các nước có cơ chế riêng để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm khoản nợ xấu sẽ góp phần làm lành mạnh hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, ĐB La Ngọc Thoáng đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị kỹ nội dung này kèm theo dự thảo luật ngay trong lần thông qua tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.
Mặt khác, ĐB Lê Đắc Lâm (Đoàn Bình Thuận) phân tích, quy định này là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư về quyền của doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam) nhận định: Đấu giá tài sản cũng là một hoạt động dịch vụ rất bình thường ở các nước và đang có nhu cầu phát triển mạnh ở Việt Nam: "Thực tế hiện nay có rất nhiều công ty bán đấu giá hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại tồn tại dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Nếu luật quy định hạn chế hình thức doanh nghiệp đấu giá phải là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh thì sẽ hạn chế sự tham gia của các thành phần kinh tế tư nhân và nước ngoài. Do vậy, không cần thiết phải quản việc thành lập một cách cứng nhắc như vậy mà nên theo tiếng gọi của thị trường, có sự quản lý của Nhà nước" - ĐB Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.