Nông dân "bơi" qua "biển"... thủ tục!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 20/11/2015
Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết, trong trồng trọt, ngoại trừ khâu làm đất có tỷ lệ CGH đạt 90%, còn lại các khâu khác như cấy, gặt đập liên hợp, phun thuốc bảo vệ thực vật đều đạt thấp. Cụ thể, tỷ lệ diện tích lúa cấy bằng máy mới đạt 2,1%, gặt bằng máy 13,5%; trong chăn nuôi, dù được đầu tư hàng trăm máy vắt sữa, hệ thống làm mát chuồng nuôi, hệ thống máng ăn, uống tự động nhưng so với tổng thể, tỷ lệ CGH cũng mới chiếm một phần nhỏ. Đến nay, CGH trong khâu vắt sữa đạt 37,7%, khâu làm mát chuồng lợn đạt 5,2%, gà đạt 11,9%, hệ thống quạt nước nuôi trồng thủy sản đạt 7,5% diện tích. Nếu so với mục tiêu đặt ra thì các mô hình CGH từ sản xuất lúa đến chăn nuôi mới đạt khoảng 50 - 77% kế hoạch.
Phú Xuyên là huyện có tỷ lệ CGH dẫn đầu thành phố, tuy vậy mới dừng ở trồng lúa còn trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn ở mức thấp. Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Thắng cho biết, xã có tỷ lệ CGH cao nhất huyện, đến nay có 8 máy cấy, 6 máy làm đất, đội ngũ xã viên có đủ năng lực và làm chủ kỹ thuật để triển khai CGH trên đồng ruộng... Kinh phí đầu tư mua sắm máy CGH chủ yếu từ nguồn của HTX và một phần huyện Phú Xuyên hỗ trợ. Còn việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ thành phố gặp khó khăn và thủ tục rườm rà...
Thống kê của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho thấy, qua gần 3 năm triển khai thực hiện đề án, mới có khoảng 55 hộ được xét hỗ trợ vay vốn ngân hàng theo Quyết định 16 của UBND thành phố. Song, tiến độ giải ngân chậm, có hộ mua máy từ năm 2013 nhưng đến cuối năm 2014 mới được giải ngân. Nguyên nhân do thủ tục rườm rà, thời gian kéo dài khiến nhiều hộ dân không mặn mà tiếp cận chính sách hỗ trợ CGH.
Theo ông Lương Văn Hiền, Trưởng thôn Văn Hội, xã Đại Thắng (Phú Xuyên), mức hỗ trợ theo quy định của thành phố thấp, chưa kể các thủ tục vay vốn ngân hàng khó khăn, cần phải có giấy chứng nhận mua máy, hóa đơn đỏ… "Nếu có đủ tiền để tự mua máy thì nông dân đâu cần thành phố hỗ trợ. Việc hỗ trợ sau đầu tư thế này thì nông dân khó có thể tiếp cận" - ông Lương Văn Hiền nói.
Không chỉ lĩnh vực trồng trọt, trong chăn nuôi, việc tiếp cận nguồn hỗ trợ cũng khó khăn. Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, toàn huyện có 38 trang trại, trong đó 26 trang trại thủy sản, 12 trang trại tổng hợp. Dù trung ương và thành phố có chính sách hỗ trợ CGH nhưng việc triển khai gặp khó khăn do các hộ dân thiếu giấy chứng nhận đủ tiêu chí công nhận trang trại, chứng nhận VietGAP và các tiêu chí kỹ thuật khác. Còn theo lời các hộ chăn nuôi ở huyện Thanh Trì, để tiếp cận được nguồn hỗ trợ nông dân phải "bơi" qua hàng loạt các quy định, tiêu chí. Với quy mô chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ như Hà Nội hiện nay thì việc đưa CGH còn lâu mới thâm nhập sâu vào cuộc sống...
Thực tiễn gần 3 năm triển khai đề án đã chứng minh hiệu quả của CGH nông nghiệp. Năng suất cây trồng, vật nuôi tăng khoảng 10-15%, chi phí sản xuất giảm 0,7-2,8 triệu đồng/ha, tổn thất sau thu hoạch giảm 2-3%/năm. Lợi ích của CGH thì ai cũng hiểu, nhưng để triển khai được sâu rộng, thành phố cần rà soát lại một số bất cập, khó khăn, hỗ trợ giúp đỡ nông dân. Ngoài ra, các địa phương cần tuyên truyền giúp nông dân thay đổi nhận thức, tự nhận thấy vai trò CGH để nhân rộng trong sản xuất nông nghiệp.
Tổng mức đầu tư thực hiện đề án "Phát triển CGH nông nghiệp TP Hà Nội giai đoạn 2012-2016, định hướng đến năm 2020" hơn 1.100 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, thành phố hỗ trợ các địa phương đưa mua máy móc, chuyển giao khoa học công nghệ kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm... Mục tiêu đến năm 2016, tỷ lệ CGH trong khâu làm đất của Hà Nội đạt 90%; gieo cấy đạt 20%; gặt đập đạt 30%; phun thuốc trừ sâu đạt 40%; vắt sữa bò đạt 50%; quạt nước thủy sản đạt 15%... |