Người lái đò và tình yêu cuộc sống
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:20, 20/11/2015
Khát khao đến trường
Tháng 11 - tháng tri ân các nhà giáo, chúng tôi tìm đến Trường Nguyễn Đình Chiểu nghe cô giáo Đỗ Lê Na kể về cuộc đời mình. Năm 1981, một cô bé mới chào đời bị bỏ rơi ở Bệnh viện Khe Sanh tỉnh Quảng Trị, trước mảnh đời nhỏ bé bất hạnh, cô y tá trẻ Lê Bích Thủy mới tuổi đôi mươi đã đưa em về nuôi và trở thành mẹ của Đỗ Lê Na từ đó. Khi cô Thủy xây dựng gia đình, Na trở thành con gái đầu lòng của cặp vợ chồng trẻ ở mảnh đất quanh năm cát gió. Cơn sốt định mệnh năm một tuổi đã cướp đi ánh sáng cuộc đời Lê Na. Mắt kém dần, từ đó thế giới quanh Na trở nên mờ ảo. Con gái mất đi đôi mắt, vì thương con nên người mẹ cũng đau đáu nỗi niềm dai dẳng: "Làm thế nào để con có thể sống vui vẻ như những người bình thường".
Cô giáo Đỗ Lê Na trong một giờ lên lớp. |
Đến tuổi đi học, Na đòi đi học cùng em gái tên là Thùy Linh. Mắt kém nên Na không được nhận vào lớp học mà chỉ đứng ngoài nghe, chăm chăm nheo mắt nhìn chữ trên bảng. Thương tình, cô giáo chủ nhiệm lớp em gái đề nghị nhà trường cho Na vào học tại lớp dự thính. Ham học, ham đọc sách, 13 tuổi đôi mắt của Na trở nên tối hẳn, em hoàn toàn không thể nhìn thấy gì và đành phải nghỉ học. Khoảng thời gian đó, Đoàn văn nghệ khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu về trường biểu diễn. Sau buổi biểu diễn đó, Na nằng nặc đòi mẹ cho ra Hà Nội học. Thấy con gái rất quyết tâm, thương con thắt lòng bà đành chiều ý xin gặp lãnh đạo đoàn và nguyện vọng của hai mẹ con đã được tiếp nhận.
Vừa mừng vừa lo, hai mẹ con dắt nhau ra Hà Nội theo đuổi chữ nghĩa. Người mẹ mừng vì thỏa được nguyện vọng của con, lo sợ con còn bé, đôi mắt không nhìn thấy, chưa tự lập được. Trước khi được nhận vào học, thầy cô kiểm tra kỹ năng tự phục vụ của học sinh, Lê Na đã vượt qua vòng sơ tuyển đó. Trong thời gian học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, mơ ước của cô bé khiếm thị đã được đánh thức, ở đây Na được giao lưu với bạn bè cùng cảnh ngộ, chia sẻ ước mơ, việc làm. Sau khi kết thúc THCS, Na được chuyển vào học với các bạn phát triển bình thường và suốt 3 năm học cấp THPT Na luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Vốn có niềm đam mê văn học từ nhỏ nên Na quyết định nộp hồ sơ vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, với ước mơ trở thành một nhà văn. Nhưng khi biết cô có ý định đó, thầy cô đã tư vấn và định hướng cho Na học Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Khoảng thời gian học này, Na gặp vô vàn khó khăn bởi không có giáo trình chữ nổi. Na phải mua đĩa CD mở nghe rồi ghi âm lại để học và trả bài cho thầy cô qua máy tính nhờ phần mềm hỗ trợ đọc, viết cho người khiếm thị. Na chia sẻ: "Vất vả càng nhiều thì mong ước trở thành giáo viên dạy học cho những đứa trẻ cùng cảnh ngộ với mình càng lớn. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ phải thật cố gắng, không được đầu hàng số phận".
May mắn mỉm cười khi vừa ra trường thì Đỗ Lê Na được về dạy văn cho học sinh khiếm thị tại trường cũ. Việc dạy những học sinh "đặc biệt" gặp không ít khó khăn. Vì đôi mắt không nhìn thấy, các em chỉ nghe người khác nói nên bài tập làm văn miêu tả hầu hết không đúng thực tế. Để theo kịp các bạn phát triển bình thường thì các em khiếm thị phải học nhiều gấp 3-4 lần. Học sinh khiếm thị còn có điểm yếu là không nhớ được kiến thức, nhất là môn văn có nhiều khái niệm như từ tượng thanh, tượng hình…
Bản thân đã trải qua những khó khăn đó nên cô giáo Na hiểu rõ những vất vả của học trò, từ đó đưa ra nhiều biện pháp truyền đạt phù hợp. Nếu cứ nói khái niệm như trong sách giáo khoa thì các em khó hiểu nên giáo viên phải lấy những ví dụ với cảm nhận của một người không nhìn thấy và hướng dẫn các em làm bài tập. Lê Na chia sẻ: "Ngày trước tôi cũng học như các em, vừa nghe giảng tôi tranh thủ viết lại những kiến thức cơ bản cộng đọc thêm tài liệu để tích lũy kiến thức". Lê Na cho biết thêm, giờ công nghệ thông tin phát triển nên học trò có thể lên mạng internet tìm kiếm nhiều phương tiện hỗ trợ việc học, còn mình ngày trước chỉ được nghe đài.
Hạnh phúc giản đơn
Những ngày học tập tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Na năng nổ tham gia các hoạt động của trường lớp. Na là nòng cốt lập nên tập san có tên Hoa nắng. Được biết, đó là ý tưởng của nhà báo Tạ Quang Thương công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm tạo sân chơi cho các bạn trẻ khiếm thị. Niềm đam mê văn học đã thôi thúc Na viết những vần thơ đầu đời, viết cho riêng mình, viết để giãi bày cảm xúc. Ban đầu những vần thơ của chị xuất hiện trên tờ Hoa nắng, sau đó bài thơ được đăng trên Báo Văn nghệ trẻ, Văn hóa và phát sóng trên mục "Tiếng nói" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Lê Na đã đoạt giải nhất với bài viết "Bạn tôi" trong cuộc thi viết "Vì trẻ em khuyết tật" của Báo Hànộimới.
Và rồi, những vần thơ của cô gái khiếm thị Đỗ Lê Na đã đến với Lê Trọng Hùng. Lúc đó, anh Hùng đang dạy học ở Minh Lương, Lào Cai. Cứ đêm tối là anh bầu bạn với đài. Tình cờ anh nghe được bài thơ "Xa rồi cổ tích" của một cô gái khiếm thị với những vần thơ trong trẻo mang một nỗi buồn man mác làm anh xao xuyến: "Cổ tích xưa sống trong quả thị vàng/ Nay hoang mang con kiếm tìm kỷ niệm/ Mẹ hay ba hay chính con có lỗi/ Với lòng mình trước tiếng gọi ngày xưa…". Bài thơ để lại ấn tượng trong anh quá lớn, tìm hiểu, anh được biết bài thơ đó là của Đỗ Lê Na, học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu.
Những gì anh biết về cô gái khiếm thị chỉ có tên và trường. Hồi đó, công nghệ thông tin chưa phát triển như bây giờ, thầy giáo trẻ cũng không có cách gì liên lạc với cô. Mãi về sau, anh Hùng theo học lớp luật tại Hà Nội. Hồi đó, lớp anh cũng có một bạn học sinh khuyết tật, qua dò hỏi thì anh biết được số điện thoại của Na.
Trước đây, Lê Na không dám nghĩ đến tình yêu, hạnh phúc gia đình. Cô tự nhủ thầm hãy tìm người cùng cảnh ngộ, vợ chồng dễ thông cảm. Nhưng anh Hùng xuất hiện khiến Lê Na bồi hồi. Trong bài thơ "Cổ tích cho em", anh viết tặng: "Cổ tích cho em không chỉ bây giờ/Mình lại có mái nhà xinh xắn/Mình sẽ có những thiên thần xinh xắn/Không đến từ thiên đàng/Mà đến từ hai ta…". Lời thơ đã làm trái tim của người con gái chưa bao giờ biết yêu thổn thức. Cái kết của tình yêu đẹp ấy là mái ấm gia đình và đứa con trai đầu lòng khỏe mạnh, kháu khỉnh.
Cuộc sống cứ trôi, hằng ngày cô giáo Đỗ Lê Na lại lật từng trang chữ nổi để truyền kiến thức cho các em học sinh thân yêu. Cô xúc động nói: "Học sinh khiếm thị đáng yêu lắm, trí tưởng tượng về cuộc sống bên ngoài vô cùng phong phú nhưng thiệt thòi trong cuộc sống hằng ngày thì kể không xiết. Bản thân những nhà giáo như chúng tôi chỉ mong tất cả các em có khiếm khuyết về cơ thể đều được đến trường theo đuổi con chữ, được giao lưu với bạn bè để giúp các em tự tin, hòa nhập trong cuộc sống".