Thúc đấy phát triển ứng dụng trên nền internet
Công nghệ - Ngày đăng : 20:42, 19/11/2015
Đến nay, đã có gần 40% số người sử dụng internet và Việt Nam đuợc đánh giá là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về internet. Do vậy, ngày 19-11 hàng năm được Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức với tên gọi Ngày Internet Việt Nam. Năm nay ngày kỷ niệm có chủ đề “Internet of things” (IoT-Internet vạn vật).
Phát biểu tại Ngày Internet Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Phạm Hồng Hải cho biết, Internet vạn vật là xu thế phát triển trên thế giới và Việt Nam là thị truờng tiềm năng để phát triển các ứng dụng trên nền công nghệ internet của vạn vật này. Thực tế thì tại nước ta “internet vạn vật” đã được nhắc đến với các sản phẩm như: nhà thông minh, giao thông thông minh, thành phố thông minh…
Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho biết, các DN viễn thông đã đầu tư mạnh cho hạ tầng, đến nay tổng băng thông kênh kết nối internet trong nước đạt trên 900 Gbps, kết nối internet quốc tế đạt khoảng 1.400 Gbps. Mạng truy nhập băng rộng phát triển mạnh tới các vùng miền với nhiều loại hình công nghệ truy nhập vô tuyến, hữu tuyến. Trên hạ tầng đó, hiện Việt Nam có trên 120 triệu thuê bao di động, trong đó có trên 35 triệu thuê bao 3G; thuê bao internet băng rộng cố định đạt 7 triệu, trong đó lượng thuê bao cáp quang chiếm hơn 40% và đang tăng trưởng mạnh…
Vị lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho biết, dự kiến năm 2016, Bộ sẽ cấp phép triển khai 4G LTE; triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn đến 2020 với nguồn vốn khoảng 11.000 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 70% kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư thiết lập hạ tầng mạng băng thông rộng di động tại các xã trên toàn quốc chưa có mạng băng rộng. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử nhằm thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong dân, DN và toàn xã hội. Cùng với đó là Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó đặt mục tiêu triển khai đô thị thông minh tại ít nhất 3 địa điểm.
Hạ tầng đã đuợc đầu tư, chính sách đã có, vậy chúng ta phải làm gì để phát triển các ứng dụng trên internet? Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo các DN đã chia sẻ tại Ngày Internet Việt Nam. Cụ thể, các diễn giả cho rằng tuy có các chính sách, song cơ chế thực hiện còn là vấn đề. Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thẳng thắn chỉ ra, người dân, DN làm việc, hoạt động và nộp thuế cho nhà nước, song chính họ lại bị không ít những cản trở từ bộ máy, cá nhân trong cơ quan nhà nước và đó là điều không chấp nhận được!
Cùng quan điểm này, Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT) Mai Liêm Trực cũng cho rằng "cơ chế" là cản trở lớn nhất khiến Việt Nam có nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực; điều này nằm ở chỗ có những việc chúng ta không cần quản lý thì lại ra các chính sách quản chặt và điều này là không khuyến khích DN, cộng đồng công nghệ trong nước sáng tạo, đầu tư. Lãnh đạo Qualcomm (Hoa Kỳ) tại Việt Nam thì cho rằng, Việt Nam có các chính sách hỗ trợ nhưng các quy định tạo điều kiện cho DN trong nước cạnh tranh bình đẳng với DN quốc tế chưa nhiều. Đồng thời đề xuất, việc muốn phát triển internet vạn vật thì cần phải có chính sách để thúc đẩy kết nối di động (3G, 4G) bảo đảm chất lượng với tốc độ cao.
Đáng chú ý, trong phát biểu tại Ngày hội Internet, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã nhấn mạnh việc các DN và nhà quản lý cần phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận mới trong kỷ nguyên của Internet vạn vật. Đó là trải nghiệm số, mà mô hình của Uber và Grab Taxi là ví dụ. Vị Chủ tịch FPT phân tích: “Uber không có hạ tầng (mạng-PV) mà cũng chẳng có xe, nhưng nhờ công nghệ mà họ đã, đang làm thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc và kinh doanh của chúng ta”.