"Có y đức phải có dược đức!"

Đời sống - Ngày đăng : 16:30, 19/11/2015

(HNMO) - ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho biết khi còn là lãnh đạo một huyện vùng cao, ông chứng kiến cảnh bà con đã bán hết thóc gạo để mua thuốc đông y  được quảng cáo là chữa khỏi bệnh ung thư.

Chiều 19/11, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật dược (sửa đổi), nhiều ĐB lên tiếng khá gay gắt về quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc và sự nhập nhằng giữa thuốc và thực phẩm chức năng hiện nay.

Quảng cáo thuốc vô lý nhưng vẫn tồn tại

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho rằng phải tăng cơ chế quản lý thuốc vì chất lượng thuốc hiện nay còn bỏ ngỏ. Chất lượng thuốc do nhà sản xuất công bố, còn không có cơ quan nào kiểm nghiệm về hiệu quả hay hóa dược, thành phần độc hại.

Do đó, ĐB  đề nghị phải tăng quy định đảm bảo chất lượng thuốc đưa ra thị trường. Nếu không đúng thì phải có xử lý chứ không được để các nhà thuốc tự công bố như hiện nay.

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình)


Về quản lý thị trường thuốc hiện nay theo ĐB Sinh cũng còn khá nhiều bất cập từ việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo.

"Quảng cáo ai cũng biết là vô lý nhưng vẫn tồn tại. Cái ác là ai cũng biết là bị lừa  mà không tài gì cảnh báo được cho dân, người ta vẫn phải chịu.

Nếu mà có bệnh chỉ cần xem quảng cáo, uống thuốc thôi là cũng có thể khỏi bệnh rồi, không cần phải bác sỹ. Nhưng cuối cùng lại là thực phẩm chức năng, không có tác dụng chữa bệnh. Đó là lừa đảo, là lách luật, bây giờ phải "bịt" ngay chỗ đó lại.

Tôi khi còn là lãnh đạo một huyện vùng cao, có cảnh bà con sau khi đọc báo đã bán hết thóc hết gạo bởi đoạn quảng cáo ung thư không lo ngại khi có đông y Trung Quốc chữa khỏi. Bà con ra Hà Nội mua thuốc nhưng về chữa không khỏi, sau đó đi kiện…

Cần có cơ chế, chứ nếu quảng cáo thuốc cũng như quảng cáo nước ngọt có ga, thực phẩm tiêu dùng thông thường, mắm, muối thì không được.

Cũng cần quản lý việc cho thuê bằng dược sỹ để mở nhà thuốc cũng cần xem xét, xử lý. Anh cho thuê bằng, còn người bán có thể là cháu ở quê lên là không được" - ĐB Sinh nêu.

Chết vì thuốc giả thì không thống kê được

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh về thực trạng giá thuốc ở Việt Nam chênh so với thế giới rất nhiều. "Qua quan sát, tôi thấy cứ ra cửa hàng thuốc không ai mặc cả. Người bệnh dù nghèo dù giàu cứ giá nào phải mua thế ấy. Đó là chuyện nguy hiểm" - ĐB nói.

ĐB An cũng đề cập đến chất lượng thuốc đông y, nguyên liệu dược nhập từ Trung Quốc "nhập nhằng" về chất lượng; phát triển ngành đông dược manh mún... Qua đó, ĐB đề xuất Luật dược (sửa đổi) lần này phải đưa ra được những điều chỉnh để quản lý thật tốt những vấn đề trên.

ĐB Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội)


ĐB Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) góp ý với khoản 4 điều 6 về các hành vi nghiêm cấm trong kinh doanh dược phẩm. "Vừa qua chúng ta kỷ niệm Ngày An toàn giao thông, một ngày 24 người ra đi, 75 người mang thương tật. Tai nạn giao thông thì thấy được ngay, nhưng tai nạn thuốc thì như thế nào? Bao nhiêu thông tin phanh phui ra được nơi làm thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm người ta chết mà không thống kê được. Kể cả chúng ta ngồi đây đang mang "án" đó mà không biết vì nó ngấm dần. Trong 13 khoản cấm của dự thảo luật còn nhẹ nhàng, đề nghị phải có chế tài nghiêm khắc hơn, đặc biệt với vấn nạn thuốc giả" - ĐB đề nghị.

Cấp chứng chỉ hành nghề dược: Chưa khai tử lại khai sinh

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) góp ý kiến về thời hạn cấp giấy chứng chỉ hành nghề trong dự thảo Luật đưa ra là 5 năm, ĐB Tiến cho rằng nếu có vi phạm, khuyết điểm thì phải thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động. Còn hoạt động tốt thì cứ thế mà hoạt động. Việc thu đổi, cấp mới sau 5 năm sẽ sinh ra những thủ tục hành chính rườm rà.

"Tôi cho rằng không nên cấp giấy chứng chỉ 5 năm mà chỉ nên cấp một lần và cấp giấy không thời hạn. Nhưng có vấn đề thì thu hồi và cảnh báo, thậm chí phạt nặng.

Khi mà họ đang sống, chưa khai tử thì làm sao lại cứ 5 năm khai sinh một lần. Ta tiệm cận với tiên tiến của thế giới chứ không nên gây ra cơ chế xin cho và làm thủ tục hành chính chỉ có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước chứ lại có hại cho doanh nghiệp, người hành nghề" - ĐB Tiến nêu chính kiến.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị)


Về quản lý nhà nước về giá thuốc, theo ĐB này cần quản lý thật mạnh vì có thực trạng ngay tại Hà Nội, hai cửa hàng dược cạnh nhau nhưng có thể bán giá chênh lệch 3-4 lần vì không ai quản lý, không ai siết lại.

Biện pháp mà ĐB này đưa ra là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nếu như giá thuốc tăng lên rất nhiều với giá trị.

ĐB Tiến nói: "Giá với giá trị phải tương thích với nhau. Giá trị chỉ có 1 mà giá thuốc 10 lần thì không được. Đặc biệt, với thuốc nhập khẩu đang có thực tế là các nhà thuốc tăng vô tội vạ. Đó chính là cái làm cho người dân rất bức xúc. Anh đánh cả vào, ăn cả vào sinh mạng sống chết của người dân. Chỉ cần tăng giá thuốc, người nghèo không có tiền mua thuốc thì mong manh sinh tử của họ rất nhiều.

Cần có chương đầy đặn, ghi rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, các sở, phòng y tế, đặc biệt y đức của người làm ngành y, dược. Có y đức phải có dược đức vì đó là đạo đức của người làm ngành dược, bán thuốc".

Bảo Hân