Nhiều thách thức phải vượt qua

Công nghệ - Ngày đăng : 07:01, 19/11/2015

(HNM) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra nhanh và phức tạp hơn so với dự báo; tác động tới nhiều mặt kinh tế - xã hội, đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến an ninh môi trường, lương thực; là nguy cơ cho sự phát triển bền vững của đất nước...


Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều hình thái thời tiết "cực đoan", trái với quy luật, như khô hạn kéo dài, mưa bão bất thường, ngập lụt diện rộng… Theo kịch bản BĐKH, phần lớn diện tích ven biển, trong đó có vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, có thể bị nước biển nhấn chìm nếu nhiệt độ trái đất tăng lên khiến băng tan, nước biển dâng. Hậu quả không chỉ tác động lên nhiều mặt môi trường, mà còn hủy hoại hệ sinh thái, đe dọa đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, cũng như mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Một khu đô thị xanh.



Cùng với BĐKH, các vấn đề môi trường theo lưu vực sông, nhất là các sông xuyên biên giới, ngày càng phức tạp; điển hình là chất thải ô nhiễm đầu nguồn đổ xuống lưu vực; là việc gia tăng xây dựng dự án thủy điện trên dòng chính làm cạn kiệt nguồn nước, nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học.

Thay đổi để thích ứng với BĐKH là xu thế chung của thế giới, trong đó có sự dịch chuyển chính sách về mô hình tăng trưởng, điều chỉnh định hướng phát triển, đưa ra cách tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện môi trường, khai thác tiềm năng du lịch, nông nghiệp để ứng phó với BĐKH chưa đồng bộ tại các địa phương; chưa tận dụng được lợi thế liên kết vùng, tận dụng đóng góp của ngành kinh tế có sử dụng năng lượng sạch. Đặc biệt, chưa có báo cáo đánh giá toàn diện, đầy đủ về vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc đã thông qua 17 mục tiêu, 169 chỉ tiêu phát triển bền vững, trong đó có nhiều mục tiêu và chỉ tiêu về môi trường hoặc liên quan đến môi trường. Đây là thách thức lớn với Việt Nam trong việc thiết lập cơ chế và huy động nguồn lực để thực hiện. Câu chuyện nền kinh tế "xanh" gắn với sử dụng năng lượng tái tạo; tăng trưởng "xanh", đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường… rất khó thực hiện khi công nghệ sản xuất ở Việt Nam phần lớn còn lạc hậu, tiêu hao năng lượng lớn. Muốn thay đổi phải có sự trợ giúp về vốn, công nghệ của các nước phát triển cao trên thế giới.

Với hơn 70% dân số ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp là chính, nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế của người dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, khái niệm phát triển kinh tế "xanh" ở Việt Nam còn phải gắn với xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội. Mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng nước nghèo, nhưng tích lũy quốc gia so với các nước phát triển còn thấp, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới nền kinh tế "xanh" và thực hiện tăng trưởng "xanh", khi muốn phục hồi tự nhiên cần đầu tư trở lại 1-3% GDP.

Ở Việt Nam hiện nay, nhiều ngành khai thác tài nguyên ở mức cao, sử dụng nhiên liệu hóa thạch lớn, gây ô nhiễm môi trường vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế, không thể thay đổi trong một sớm, một chiều. Điển hình là ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất năng lượng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, sản xuất giấy, công nghiệp hóa chất, đóng tàu… Trong khi đó, những ngành công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn chưa thực sự được quan tâm, phát triển. Đặc biệt, thiếu vắng các ngành kinh tế hỗ trợ, giải quyết hậu quả về môi trường như dịch vụ bảo vệ môi trường, công nghiệp tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng sạch; hàng hóa thân thiện môi trường; nông nghiệp hữu cơ. Đã có một số lĩnh vực sản xuất thân thiện môi trường được chú ý phát triển nhưng gặp khó về vốn, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định; lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận thấp nên chưa thể hình thành ngành kinh tế đủ mạnh, giải quyết hiệu quả các vấn đề môi trường hiện nay.

Nguồn lực đầu tư cho môi trường cũng là thách thức lớn khi ngân sách nhà nước hạn hẹp, còn các nguồn xã hội hóa lại thiếu cơ chế huy động hiệu quả. Theo Bộ TN-MT, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống thu gom, xử lý nước thải; vận chuyển, chôn lấp chất thải… rất lớn, nhưng thu hút đầu tư rất khó vì đây là lĩnh vực ít lợi nhuận. Song, vấn đề đáng nói là thiệt hại kinh tế do ô nhiễm, suy thoái môi trường vô cùng nghiêm trọng. Ước tính GDP của Việt Nam trong 10 năm tới tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến môi trường thì ô nhiễm có thể tăng gấp 3 lần. Như vậy, GDP tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường làm mất đi 3%.

Khánh Khoa