Không để "con sâu bỏ rầu nồi canh"

Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 19/11/2015

(HNM) - Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá mức cho phép trong rau, quả… đang gây hoang mang dư luận. Để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong điều kiện mới chủ động được 60% nhu cầu nông sản, Hà Nội đã phối hợp với nhiều tỉnh, thành phố


Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất cấm vẫn gặp khó khăn. Đó là thông tin đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh phía Bắc năm 2015 do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 18-11.

Phát hiện chất cấm trong cả rau và thịt

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, thực hiện chương trình giám sát ATTP sản phẩm nông nghiệp đưa về Hà Nội, cơ quan chức năng của thành phố đã lấy 437 mẫu tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và chợ đầu mối. Kết quả phân tích 356 mẫu đã phát hiện 2/39 mẫu chè (chiếm 5,12%) có dư lượng thuốc BVTV vượt giới hạn cho phép; 17/101 mẫu thịt lợn, gà (chiếm 16,83%) có chất Salmonella; 5/55 mẫu thịt lợn (chiếm 9,1%) phát hiện dư lượng chất Salbutamol; 1/46 mẫu thịt gà (chiếm 2,17%) có chất cấm Chloramphenicol. Ngoài ra, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội đã lấy 302 mẫu rau, thịt để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP, hiện đã có kết quả 203/302 mẫu. Theo đó, phát hiện 50 mẫu rau có dư lượng thuốc BVTV; phát hiện 16 mẫu thịt lợn có chất Salmonella, 9 mẫu thịt lợn phát hiện dư lượng Salbutamol, 5 mẫu thịt lợn có dư lượng Sulfadimidine và 11/44 mẫu thịt gà phát hiện Salmonella. Dù phát hiện chất cấm, nhưng việc xử lý vi phạm gặp khó khăn do thời gian nhận phân tích kéo dài (7-10 ngày) dẫn tới việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm không an toàn, đặc biệt là sản phẩm tươi sống phức tạp.

Khách hàng lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng tại hệ thống siêu thị VinMart. Ảnh: Sơn Trà



Cùng với đó, một lượng lớn các sản phẩm được giao dịch buôn bán tại chợ đầu mối thường hoạt động từ 3 đến 5h hằng ngày nên khó kiểm soát. Theo ông Phạm Thế Cường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Sơn La, sản xuất rau ở Mộc Châu chỉ tiêu thụ 20% trong tỉnh, còn lại cung cấp cho Hà Nội. Tuy vậy, việc quản lý các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh còn khá nan giải. Ông Phạm Thế Cường thừa nhận, còn nhiều kẽ hở trong công tác quản lý, do khan hiếm một số loại rau, nông dân đã mua rau ở các vùng không được chứng nhận an toàn về để trà trộn và mang bán cho siêu thị. Còn ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, công tác phối hợp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố còn vướng mắc do sản phẩm chưa có chỉ dẫn địa lý, chưa xây dựng thương hiệu...

Kiên quyết xử lý vi phạm

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, để công tác phối hợp về ATTP nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới chặt chẽ hơn, các tỉnh, thành phố cần cung cấp thông tin chính xác về địa chỉ, số điện thoại, chủ cơ sở sản xuất tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn để thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát; xây dựng vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGap; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại nơi sản xuất để bảo đảm chất lượng; xây dựng thương hiệu, gắn tem, nhãn mác nhận diện sản phẩm an toàn. Khi Hà Nội gửi danh sách các cơ sở vi phạm, các tỉnh, thành phố cần công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và không sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp vi phạm, tránh tình trạng "con sâu bỏ rầu nồi canh". Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) Võ Thành Đô cho biết, hiện nhiều sản phẩm an toàn chưa đến tay được với người tiêu dùng, nguyên nhân chủ yếu là do mất niềm tin. Thời gian tới các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sản phẩm tốt, địa chỉ cửa hàng để người tiêu dùng biết đến, nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn đã khó, để giữ lại càng khó hơn, nên các địa phương phải chú trọng tuyên truyền đến người sản xuất, doanh nghiệp trong việc giữ gìn thương hiệu. Bộ NN&PTNT đang thực hiện chuỗi cung cấp rau, thịt ở Hà Nội, việc này tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh, thành phố khi đưa sản phẩm về Thủ đô tiêu thụ. Ngược lại Hà Nội phải quản lý chặt chẽ khâu chế biến, kinh doanh. Đối với những cơ sở mất an toàn, kiểm tra nhiều lần vẫn tái phạm phải có biện pháp xử lý nghiêm, tịch thu giấy phép kinh doanh…

Ngọc Quỳnh