Địa phương làm sai, Chính phủ cũng có trách nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 09:59, 18/11/2015
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trực tiếp trả lời 3 chất vấn của ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) |
Trả lời 3 chất vấn của ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) gợi ý cho công tác nghiên cứu và phát triển của QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá đây là những câu hỏi rất có chất lượng.
Về câu hỏi thứ nhất, ĐB cho rằng, tại chất vấn tại hội trường, nhiều việc thuộc trách nhiệm địa phương. Có nên làm luật gì đó để phân cấp trách nhiệm của Chính phủ và địa phương, từ đó có thể giải quyết những vấn đề vướng mắc của địa phương tại diễn đàn QH không?
Chủ tịch QH cho biết, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, kể cả Luật Tổ chức Quốc hội, liên quan đến HĐND địa phương, đã có phân cấp và có những việc giao nhiệm vụ để Chính phủ và Thường vụ QH có hướng dẫn phân cấp. Các việc đó QH vừa thảo luận và ban hành. Những luật này chưa có hiệu lực thi hành ngay nên thấy không cần ban hành luật riêng về phân cấp quan hệ giữa TƯ và địa phương nữa.
"Hãy cố gắng tổ chức thực hiện cho tốt Luật Tổ chức Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo hướng dẫn của mình sẽ phân cấp trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Luật Chính quyền địa phương nêu rõ trách nhiệm địa phương đến đâu, trách nhiệm Chính phủ đến đâu... Còn HĐND địa phương, Luật Tổ chức QH đã có phân cấp. UB TVQH theo hướng dẫn của mình sẽ có quy định cần thiết.
Phân cấp gì thì phân cấp, nhưng trách nhiệm cơ quan hành pháp tối cao là chính phủ, là Thủ tướng Chính phủ. Nếu nói đến cùng chỉ cần trách nhiệm của một đồng chí Thủ tướng và Chính phủ là đủ. Không phải địa phương làm sai mà chính phủ không phải chịu. Còn địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Thủ tướng Chính phủ.
Các câu hỏi của ĐB Trần Du Lịch gửi đến được Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá rất có chất lượng |
Về câu thứ hai, lỗi cá nhân, lỗi công vụ trong xử lý oan sai bồi thường có phân biệt không, hay cứ lấy tiền ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân để bồi thường? Luật có cần bổ sung gì không?
Chủ tịch QH cho biết, các luật liên quan đến bồi thường có phân biệt khá rõ. Khi xem xét bồi thường, quyết định bồi thường do toà án, là cơ quan xét xử cuối cùng, sẽ phân định. Luật Bồi thường, Luật Toà án, Luật Kiểm sát... đều nói rõ trách nhiệm của từng chủ thể, tổ chức, cá nhân...
"Luật của QH ban hành quy định như vậy tương đối đủ và rõ ràng. Ngay bây giờ tôi chưa thấy cần phải đề xuất gì với QH để bổ sung luật này. Nếu có vấn đề gì xuất hiện sẽ cùng nhau nghiên cứu thêm" - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ.
Câu hỏi thứ 3 của ĐB Trần Du Lịch cho rằng quy trình để ban hành luật cho đến nay nhận thấy hầu hết do Chính phủ đề xuất. Có những việc nói mãi tại diễn đàn nhưng Chính phủ vẫn chưa đề xuất như Luật DN vừa và nhỏ...
Chủ tịch QH khẳng định, hiện quy trình làm luật của chúng ta là người đề xuất, sáng kiến là QH, Thường vụ QH, là chính phủ, là Chủ tịch nước, Chánh án, Viện trưởng, cơ quan tổ chức chính trị xã hội khác đều có quyền đó... Quy trình như vậy là rất rộng. Chính phủ là một chủ thể có trách nhiệm nghiên cứu, để xuất trình Luật để QH ban hành. Đó là chủ thể quan trọng vì Chính phủ là cơ quan hành pháp. Trong hành pháp, thực tiễn cuộc sống đòi hỏi rất trực tiếp, nhiều lĩnh vực. Người điều hành nắm được vấn đề thực tiễn, nhu cầu cuộc sống cũng như yêu cầu của công tác quản lý để trình QH ban hành luật pháp, quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ QH giao tốt hơn.
Các chủ thể khác hiện nay vẫn có đề xuất. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một đại biểu nào đề xuất, sáng kiến được một dự luật nào.
"Về luật pháp không cần phải bổ sung gì nữa. Vấn đề là chúng ta tổ chức thực hiện cho tốt. Rất nhiều luật của chúng ta năm nay theo sáng kiến các cơ quan của QH, của Chính phủ, của mặt trận, của công đoàn, Hội Luật gia... Hơn nữa khi làm luật còn lấy ý kiến nhân dân. Đó cũng là hình thức dân chủ đối với toàn dân." - Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định.