Loay hoay tìm vốn chống ngập!
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 18/11/2015
Chống ngập chưa hiệu quả
Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi giám sát về tình hình chống ngập mà thành phố thực hiện trong thời gian qua. Kết quả giám sát cho thấy, đến nay nhiều công trình, dự án chống ngập trên địa bàn thành phố như hệ thống thoát nước, đê bao ngăn triều, cùng các công trình chống ngập khác dù đã được ghi vốn nhưng tiến độ trên thực tế diễn ra rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Cũng tại buổi làm việc này, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thừa nhận, những giải pháp chống ngập mà thành phố đang làm chỉ mới giải quyết được phần ngọn, còn giải pháp căn cơ, chống ngập triệt để cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do không bảo đảm đủ nguồn kinh phí. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Tín, việc tổ chức, xây dựng, phát triển TP Hồ Chí Minh trên nền một đô thị cũ hết sức phức tạp, cần một quá trình lâu dài.
Người dân TP Hồ Chí Minh vẫn nai lưng chống ngập. |
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, tính đến nay thành phố đã cơ bản hoàn thành một số dự án lớn về thoát nước và vệ sinh môi trường với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, những năm gần đây, số điểm ngập trên địa bàn thành phố lại tăng từ 18 điểm (năm 2012) lên 54 điểm (2014) và hiện nay là 68 điểm ngập. PGS.TS Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, thực tế đã chứng minh nguyên nhân chủ yếu khiến công tác chống ngập của TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua chưa thành công là thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước để đáp ứng nhu cầu đô thị hóa. Các hoạt động chống ngập của thành phố mới chỉ tạm thời cải thiện được tình hình ngập khu vực trung tâm, còn 8 trong số 12 lưu vực bao gồm cả nội thành (vùng lõi) và ngoại thành (các khu đô thị mới) đều chưa có quy hoạch chi tiết cho hệ thống thoát nước.
Nhằm tháo gỡ nút thắt khi triển khai PPP cho các dự án chống ngập, UBND TP Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Kế hoạch - Đầu tư thành lập "quỹ bù đắp khoảng trống trong các dự án có sự đầu tư của tư nhân". Được biết, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang đàm phán với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để thành lập quỹ này. Theo đó, phần vốn của ADB khoảng 300 triệu USD, cùng sự góp vốn của các nhà tài trợ khác như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, quy mô quỹ này khoảng 0,5 - 1 tỷ USD và dự kiến chính thức đưa vào hoạt động năm 2017. |
Phải có kinh phí
Theo kế hoạch, các cơ quan có liên quan đang hoàn tất kế hoạch trình UBND thành phố phương án kêu gọi vốn cho chương trình chống ngập thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh cần tới khoảng 60 tỷ USD để phát triển hạ tầng đô thị, giải quyết tình trạng quá tải như hiện nay. Riêng đối với các dự án giải quyết ngập, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố cần tới 68.000 tỷ đồng để giải quyết ngập cho khu vực rộng 550km2 thuộc 17/24 quận, huyện trên địa bàn.
Vấn đề đặt ra là TP Hồ Chí Minh sẽ kêu gọi vốn từ đâu và bằng cách nào? Hiện nay, kinh phí dành cho các dự án chống ngập chủ yếu lấy từ ngân sách và vốn ODA. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc TP Hồ Chí Minh phải tìm các nguồn vốn khác thay thế nếu muốn tiếp tục chống ngập. Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước thực hiện dự án giải quyết ngập do triều (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc kêu gọi vốn đầu tư các dự án chống ngập bằng hình thức PPP là thách thức không nhỏ, bởi đây là hình thức mới, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, thoát nước thuộc lĩnh vực công ích, cơ bản không có nguồn thu nên khó thu hút nhà đầu tư tư nhân. Việc triển khai PPP theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng cũng khó thực hiện vì hiện nay quỹ đất của thành phố không còn nhiều. Thời gian vừa qua, một số nhà đầu tư đã đề xuất cơ chế tài chính khác thay thế như thuê cơ sở hạ tầng thoát nước với tiền thuê được trả từ ngân sách, phí thoát nước... Tuy vậy, các đề xuất này đến nay vẫn chưa thực hiện được do gặp những trục trặc phát sinh.