Cải thiện môi trường kinh doanh để hội nhập

Kinh tế - Ngày đăng : 06:36, 18/11/2015

(HNM) - Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên tại Diễn đàn xuất khẩu 2015 với chủ đề:


Thị trường hấp dẫn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong 9 tháng đầu năm, bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm thì khu vực Châu Mỹ là điểm sáng của xuất khẩu Việt Nam khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2014 tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 36,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ lên tới gần 30,6 tỷ USD.

Doanh nghiệp trưng bày hàng hóa tại Diễn đàn xuất khẩu.



Mặc dù xuất siêu sang Hoa Kỳ, nhưng tổng thị phần xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 1,3% trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ năm 2014. Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ cho rằng cơ hội từ TPP sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho Việt Nam. Hiện lợi thế của DN Việt Nam là đang xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp như cà phê, hạt điều, đồ gỗ…, những mặt hàng mà Hoa Kỳ không cạnh tranh bởi vì nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, thách thức khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ là sự cạnh tranh quyết liệt; luật lệ phức tạp, nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật. Mặt khác, hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu, trong đó có một số sản phẩm của Hoa Kỳ.

Với thị trường Mỹ Latinh, Việt Nam có quan hệ buôn bán với 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đạt 9,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 4,71 tỷ USD. Ông Trần Duy Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Mỹ nhận định thị trường Mỹ Latinh có dung lượng nhập khẩu lớn, dân số đông, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu thụ ở mức cao. Phần lớn người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu, phù hợp với hàng hóa của Việt Nam. Đặc trưng của khu vực này là không quá đòi hỏi về thương hiệu, chất lượng nên cơ hội cho các DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp là rất lớn. Tuy vậy, thâm nhập thị trường Mỹ Latinh cũng không ít khó khăn vì DN còn thiếu thông tin, rào cản ngôn ngữ, xa xôi nên chi phí vận tải cao, phương thức thanh toán chưa thuận lợi, xu thế bảo hộ gia tăng tại một số thị trường như Mexico, Brazil, Argentina và Cuba, sự cạnh tranh gay gắt với hàng một số nước Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ)…

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Amcham Vietnam tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, TPP là cơ hội để Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ và Châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, cần lưu ý các công ty Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều từ các FTA, bởi với thị trường Hoa Kỳ, có tới 70% xuất khẩu của Việt Nam đến từ DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 90% các nguyên vật liệu phải nhập khẩu. Thủ tục hành chính rườm rà của Việt Nam cũng là điều ông Herb Cochran lưu ý. "Cần 16 ngày để hàng hóa từ cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) đến cảng ở California (Hoa Kỳ) nhưng phải cần đến 21 ngày để làm thủ tục xuất cảng", ông Herb Cochran nêu thực trạng và cho rằng Việt Nam cần giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, TPP và hàng loạt các FTA mới đang đem lại cơ hội rất lớn cho Việt Nam khai thác thị trường toàn cầu, nhất là một số FTA thế hệ mới với những yêu cầu đòi hỏi mở cửa thị trường, cải cách thể chế và tạo thuận lợi chung cho dòng chảy thương mại giữa các quốc gia. Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh cho rằng với hàng loạt những điều kiện về quy chuẩn chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề khác như bảo hộ quyền tác giả, sở hữu trí tuệ… thì chắc chắn những sản phẩm của Việt Nam chưa thể phát triển bền vững tại thị trường này chứ chưa nói đến những đột biến lớn. Chính vì vậy, thời gian tới Bộ Công thương sẽ tổ chức nhanh việc cung cấp các thông tin liên quan, các định hướng và giải pháp xúc tiến cho cộng đồng DN. Bộ Công thương và các bộ, ngành cũng sẽ phối hợp triển khai việc thực hiện cải cách hành chính, sắp xếp các DN nhà nước theo yêu cầu đã đặt ra trong các nội dung liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt không phân biệt đối xử giữa DN nhà nước và tư nhân, DN trong và ngoài nước. Theo ông Trần Tuấn Anh, điều cấp thiết hiện nay là hỗ trợ DN Việt Nam khi thâm nhập thị trường thế giới; đặc biệt lưu ý về xử lý tranh chấp thương mại vì phòng vệ thương mại là một trong những nội dung quan trọng của hội nhập quốc tế và chắc chắn DN Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc của những vấn đề lớn đã trở thành xu thế hiện nay.

Đặng Loan