Xã hội hóa đầu tư hệ thống nước sạch nông thôn Hà Nội: Thiếu vốn, thừa... thủ tục

Xã hội - Ngày đăng : 06:24, 18/11/2015

(HNM) - Nhìn nguồn nước Sông Nhuệ ô nhiễm cùng với kết quả phân tích mẫu nước sinh hoạt trên địa bàn không bảo đảm hợp vệ sinh, hàng nghìn người dân các Thôn Thượng, Mỹ, Cầu, Hạ của xã Cự Khê (Thanh Oai) cảm thấy bất an.


Trước thực trạng nhiều người dân mắc bệnh nan y, các trưởng thôn ở xã Cự Khê đã kiến nghị chính quyền địa phương và Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát (doanh nghiệp được UBND huyện Thanh Oai giao tiếp nhận quản lý vận hành và tiếp tục đầu tư công trình trạm cấp nước sạch Cự Đà) mở rộng mạng cung cấp nước sạch cho nhân dân. Ông Trịnh Hồng Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát cho biết: Phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm asen ở mức độ cao, cách đây 8 năm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 50% kinh phí để xã Cự Khê xây dựng công trình cấp nước sạch quy mô 500m3/ngày đêm phục vụ cho làng nghề Cự Đà. Tuy nhiên, khi sử dụng hết phần kinh phí hỗ trợ, công trình không được tiếp tục đầu tư, thành thử công trình dở dang bị bỏ hoang nên người dân Cự Đà không có nước sạch sử dụng.

Thực hiện chủ trương của TP Hà Nội về việc xã hội hóa đầu tư công trình cấp nước sạch tập trung, năm 2012, Công ty TNHH Đầu tư Nhất Phát đề nghị huyện Thanh Oai cho tiếp nhận trạm cấp nước dở dang nêu trên. Sau khi được giao, công ty đã đầu tư 1,3 tỷ đồng hoàn thiện các hạng mục công trình, cấp nước cho 355 hộ dân. Đến nay, dù trạm mới khai thác được 50% công suất thiết kế nhưng công ty không thể mở rộng mạng cấp nước ra toàn xã Cự Khê, vì công trình chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, thời gian qua, các sở, ngành tích cực tháo gỡ tồn tại, khó khăn, kêu gọi doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia đầu tư công trình nước sạch nông thôn theo chủ trương xã hội hóa. Đến nay, 16 công trình cấp nước đầu tư xây dựng dở dang trên địa bàn đã được giao cho 9 doanh nghiệp tiếp nhận, cải tạo, khôi phục. Tuy vậy, mới có 6 công trình đã được cấp chứng nhận đầu tư, xác nhận ưu đãi đầu tư gồm Trạm cấp nước sạch Tam Hiệp (Phúc Thọ), Phùng Xá (Thạch Thất), Ninh Hiệp, Phù Đổng (Gia Lâm), Đại Nghĩa (Mỹ Đức), Kim Bài (Thanh Oai); 10 công trình chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, xác nhận ưu đãi đầu tư thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Ứng Hòa, Quốc Oai, Thanh Oai, Đan Phượng. Nguyên nhân do một số công trình trước đây xây trên đất công, hiện nay muốn được giao đất phải rà soát tất cả các loại quy hoạch đất đai, xây dựng, công trình nước sạch; một số công trình do chủ đầu tư cũ chưa quyết toán các phần đã đầu tư, chưa có kết quả định giá tài sản; một số doanh nghiệp chưa có hồ sơ đề nghị giao tiếp nhận quản lý, vận hành và phương án tiếp tục đầu tư hoàn thiện công trình… Mặt khác do khó khăn chung của nền kinh tế, phần lớn các doanh nghiệp đăng ký tiếp nhận đầu tư công trình cấp nước xây dựng dở dang đều trong tình trạng thiếu vốn để mở rộng quy mô cấp nước sạch cho nhân dân.

Theo ông Đào Duy Tâm, để tháo gỡ tồn tại, khó khăn, các huyện và sở, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để giúp doanh nghiệp sớm hoàn thiện hồ sơ, hưởng các chính sách ưu đãi của thành phố… Thực tế, đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung cần lượng vốn lớn, thực hiện trong thời gian dài và thời gian hoàn vốn chậm nên quy định hiện hành của thành phố hỗ trợ đầu tư một lần sau khi có quyết toán giá trị công trình là chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về tài chính. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng thiếu vốn để mở rộng quy mô mạng cấp nước; ít có doanh nghiệp mạnh dạn đề xuất chủ trương đầu tư các dự án xây mới. Vì vậy, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn, thành phố cần sửa đổi quy định từ hỗ trợ sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng thành hỗ trợ ngay cho chủ đầu tư trong giai đoạn thi công theo phương thức ứng vốn từng phần căn cứ hồ sơ dự toán và khối lượng hoàn thành từng giai đoạn, sau đó quyết toán toàn bộ khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng…

Kim Nhuệ