Vẫn còn giải đáp chưa thỏa đáng
Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 18/11/2015
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN |
Làm sao ngăn "cái chết từ từ"?
Một trong những vấn đề gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua chính là an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Do vậy, cũng dễ hiểu khi vấn đề này tiếp tục được các ĐB chất vấn người đứng đầu ngành và lãnh đạo Chính phủ tại nghị trường?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, toàn ngành đã tập trung vào 5 nhóm giải pháp, song các giải pháp này chủ yếu ở mức độ kiềm chế. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, riêng lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật có 103 DN sản xuất, hơn 200 DN kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ… và muốn tạo sự chuyển biến phải kiểm soát được toàn bộ lực lượng này. Song, do bộ máy và nguồn lực để thực hiện cũng hạn chế, nhất là ở địa phương lại thiếu nhân lực nên việc thanh, kiểm tra không được như mong đợi. Bộ trưởng kiến nghị QH khi xem xét Luật Hình sự nên sửa đổi Điều 155 và Điều 244; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi 4 nghị định về xử phạt hành chính để mạnh tay xử lý những vi phạm.
ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Đoàn Khánh Hòa) chất vấn về việc cử tri lo lắng "cái chết từ từ" do chất lượng ATVSTP không bảo đảm và nguyên nhân có phải do chồng chéo trong quản lý? Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sự phối hợp vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được mong muốn, song không phải do chồng chéo. Theo Phó Thủ tướng, sau khi có Luật ATTP, việc quản lý thực hiện theo chuỗi và theo ngành hàng, từng nhóm sản phẩm, từ khâu sản xuất, sơ chế (trong nông nghiệp thì sơ chế bao gồm cả giết mổ), tới chế biến, lưu thông, kinh doanh. Trong đó, quy định chi tiết nguyên tắc phối hợp là mỗi một việc chỉ có một cơ quan chịu trách nhiệm chính là đầu mối với phụ lục đầy đủ từng ngành hàng, từng nhóm sản phẩm thuộc Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT. Song, đến nay làm chưa tốt, thì câu chuyện là ở chỗ tổ chức thực hiện - khâu rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền.
Quản lý đô thị chưa tốt, gây ùn tắc giao thông?
Liên quan đến việc quản lý đô thị, các ĐB: Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh), Lê Nam (Đoàn Thanh Hóa) đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình trạng nhà cao tầng mọc lên quá nhiều trong nội thành. Vì sao chúng ta đã có chủ trương, kế hoạch di dời nhiều bệnh viện, trường đại học ra ngoại thành nhưng chục năm nay chưa thực hiện được? Từ đó, dẫn đến ùn tắc giao thông đến mức nghiêm trọng ở TP Hồ Chí Minh và tái phát ở Hà Nội.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng lại đi quá sâu vào việc phân tích 3 nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông, các giải pháp tránh ùn tắc, về quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch vùng TP Hồ Chí Minh… khiến người nghe có cảm giác Bộ trưởng Xây dựng đang nói thêm cả phần việc của Bộ Giao thông - Vận tải. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nhiều lần cắt ngang lời, thậm chí tóm tắt lại câu hỏi của các ĐB nhưng người đứng đầu ngành Xây dựng vẫn trình bày, phân tích về các vấn đề như đã nêu và khẳng định, việc giải quyết ùn tắc giao thông cần phải có một lộ trình và có sự phối hợp đồng bộ cả về nguồn lực và những giải pháp khoa học…
Trả lời ĐB, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, hiện nay tỷ lệ quy hoạch các đô thị đã được phê duyệt chiếm 70% diện tích của TP Hà Nội. Việc thực hiện các đô thị, chiều cao được quản lý theo chính những quy hoạch đã được phê duyệt. Trường hợp có nhà cao tầng cần phải vượt độ cao về quy hoạch cho phép thì phải đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng và đặc biệt nó phải đáp ứng yêu cầu về điểm nhấn kiến trúc.
Cũng theo Phó Thủ tướng, việc di dời các cơ sở bệnh viện, trường học, cơ sở sản xuất công nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như các cơ quan hành chính ra khỏi trung tâm nội đô để giảm sức ép về hạ tầng vào khu trung tâm và tạo ra một khu đô thị bảo đảm văn minh, xanh, sạch, đẹp là việc hết sức cần thiết. Các bộ có liên quan và Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều xây dựng đề án thực hiện nhưng việc triển khai gặp khó khăn và chưa thực hiện được vì đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
Những trả lời "ấn tượng"
Có thể nói, đến hết ngày 17-11, phiên trả lời chất vấn trước QH có nhiều “ấn tượng”. Thứ nhất, Chủ tịch QH liên tục phải ngắt lời phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khi thay vì trả lời có "đòi" được khoản nợ đọng 76.000 tỷ đồng tiền thuế hay không, thì Bộ trưởng lại đi phân tích vào các giải pháp… Hay phần trả lời việc cải cách hành chính trong ngành thuế, hải quan đã đáp ứng được tiêu chí nào, thì Bộ trưởng lại trả lời dài dòng.
Với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, trả lời câu hỏi về việc phong "hàm" cho một số cán bộ, công chức ở cơ quan TƯ, vậy địa phương có được làm? Thay vì trả lời được hay không được thì Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình bày lại vấn đề, quá trình nghiên cứu vấn đề này…và Chủ tịch QH phải ngắt lời liên tục, cuối cùng Bộ trưởng Nội vụ khẳng định lại là cả cơ quan TƯ lẫn địa phương đều không được thực hiện quy định này…
Đến phần trả lời của Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh, có ĐB đặt vấn đề, du lịch Việt Nam phát triển trước so với nước bạn như Lào, Campuchia, nhưng tốc độ tăng trưởng du khách lại không bằng nước bạn…, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan đã cam kết với nhau 5 quốc gia một điểm đến và thực lòng mong muốn Campuchia và Lào phát triển du lịch mạnh hơn nữa. Tất nhiên, khi phát triển như thế chúng tôi sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm, bởi vì mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận du lịch và điều kiện phát triển du lịch. Câu trả lời này khiến cả hội trường đều cười ồ. Có câu hỏi, vị tư lệnh ngành này trả lời: Với tư cách là người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch, những gì đã cố gắng nhưng chưa như mong muốn của QH thì tôi xin chịu trách nhiệm. Trách nhiệm của chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp. Thời gian không còn nữa thì làm sao?
Trả lời chất vấn liên quan đến cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để phục vụ người dân và DN tốt hơn cần phải tiến hành đồng bộ 7 giải pháp, trong đó có thực hiện tốt hơn Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị ngày 17-4-2015 về tinh giản biên chế, về cơ cấu lại đội ngũ công chức trên tinh thần giảm hai được lấy một. |