Ý nghĩa cảnh báo lớn

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:56, 18/11/2015

(HNM) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc "bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia", người đứng đầu ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Không dám trả lời.

Có thể nói đây là câu trả lời chất vấn hết sức thành thực. Ngẫm kỹ, câu trả lời thành thực ấy có nhiều điều rất đáng phải trăn trở. Không trăn trở sao được khi chính đại biểu Quốc hội, người chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đưa ra những so sánh rất cụ thể: Năm 2000, Campuchia chỉ đón 400.000 lượt du khách quốc tế, nay đã tăng gấp 10 lần; tại Lào, từ 700.000 lượt du khách quốc tế, sau 10 năm tăng lên 4 triệu. Trong khi đó, Việt Nam đến năm 2014 chỉ có gần 8 triệu lượt du khách quốc tế. Chưa bàn tới phần "chất", chỉ riêng phần "lượng" thì trong ngần ấy thời gian, tốc độ tăng trưởng du khách quốc tế của hai quốc gia láng giềng tăng chóng mặt thì của ta cứ ì ạch, ì ạch...

Tại sao vậy? Chính đại biểu Quốc hội đã đưa ra câu trả lời: Du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nạn chặt chém, ăn xin chèo kéo... Thực tế, du lịch Việt Nam không chỉ phải đối mặt với những vấn nạn này. "Chặt chém", "ăn xin chèo kéo"... chỉ là bề nổi, chỉ là giọt nước làm tràn ly. Phần chìm - quan trọng hơn nhiều - là du lịch nước ta thiếu hẳn những sản phẩm du lịch hấp dẫn, hạ tầng phục vụ du lịch, vấn đề nhân lực ngành... Nói cách khác, sự phát triển của du lịch trong nhiều năm qua mới chỉ trông chờ vào việc khai thác tiềm năng sẵn có nhưng chỉ thế thôi thì du lịch không thể cất cánh.

"Bao giờ du lịch chúng ta bằng người (?)" quả thực là câu hỏi rất khó để trả lời, nhất là khi "người ta" không đứng một chỗ. Trong khi chúng ta nỗ lực phát triển du lịch, "người ta" cũng thế và rất có thể "người ta" phát triển với tốc độ không thua kém.

"Bao giờ chúng ta bằng người (?)" cũng là câu hỏi được đặt ra đối với nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, tại buổi tọa đàm "Năng suất lao động - Vấn đề của doanh nghiệp hay người lao động" được tổ chức cách đây chưa lâu, nhiều đại biểu có chung nhận xét là: Năng suất lao động của nước ta hiện quá thấp. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, năng suất lao động Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Những rào cản chính là chúng ta thiếu lao động đã qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn cao, ngay cả giới doanh nhân cũng ít người được trang bị bài bản về kỹ năng, kiến thức quản trị doanh nghiệp; đặc biệt, một bộ phận công chức, viên chức đã và đang ở trong tình trạng "bán thất nghiệp" - tức có việc làm nhưng không... phải làm việc mà vẫn hưởng lương.

Đấy là câu hỏi "bao giờ bằng người?" với từng ngành, từng lĩnh vực. Ở góc độ rộng hơn, câu hỏi bao giờ kinh tế Việt Nam "bằng người" còn đáng suy ngẫm hơn nhiều. Theo báo cáo thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 đã gấp 21 lần năm 1990 nhưng chỉ tương đương GDP của Malaysia năm 1998, của Thái Lan năm 1993, của Indonesia năm 2008, của Philippines năm 2010. Đáng chú ý, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30-35 năm. Những rào cản, vướng mắc cũng đã được nhận diện, được chỉ rõ; cả giải pháp cũng đã được đưa ra.

Từng ngành, lĩnh vực nói riêng, tổng thể kinh tế đất nước nói chung đang "vướng" câu hỏi "bao giờ bằng người". Các phép tính số học đơn thuần với các giả định không khó đưa ra kết quả cụ thể nhưng thực tế cho thấy: "Ta" tiến thì "người ta" cũng tiến và rất có thể "người ta" tiến với tốc độ nhanh hơn, hiệu quả cao hơn... Đã rất nhiều lần các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cảnh báo về nguy cơ tụt hậu của đất nước. Từ câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh tại nghị trường ngày 17-11, nhìn sang những lĩnh vực khác, có thể thấy: Chỉ có thực sự quyết tâm cao độ, đất nước mới thực sự phát triển.

Việc "không dám trả lời" của Bộ trưởng, ở lĩnh vực cụ thể là du lịch, có ý nghĩa cảnh báo rất lớn.

Chử Thu Thảo