Việt Nam tìm cách sử dụng và vận hành nồi hơi công nghiệp hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 16:29, 17/11/2015
Mục tiêu của Dự án là nhằm giảm mức năng lượng tiêu thụ và giảm lượng phát thải khí nhà kính thông qua việc thúc đẩy sử dụng và vận hành nồi hơi hiệu quả năng lượng trong công nghiệp. Ở cấp độ toàn cầu, Dự án sẽ góp phần giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính khoảng 1.837.355 tấn CO2. Ở cấp quốc gia, Việt Nam sẽ tiết kiệm được khoảng 467.317 tấn dầu tương đương (TOE) trong vòng 10 năm giai đoạn tác động của dự án (tính từ năm 2019 đến năm 2028). Dự án cũng sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp Việt nam do giảm chi phí năng lượng tiêu thụ và giảm ô nhiễm và tác động về môi trường.
Dự án do Bộ Công Thương phối hợp cùng với UNIDO tổ chức thực hiện trong giai đoạn từ tháng 11-2015 đến tháng 10-2019, theo đó, các nhà sản xuất và chế tạo nồi hơi Việt Nam và các doanh nghiệp công nghiệp trong các ngành như giấy và bột giấy, dệt, chế biến thực phẩm, hóa chất, chế biến cao su…được hưởng lợi từ Dự án.
Đại diện của Văn phòng UNIDO tại Việt Nam, ông Patrick J. Gilabert khẳng định sự hỗ trợ kỹ thuật của UNIDO sẽ hỗ trợ Việt Nam “tạo được một môi trường thuận lợi để thúc đẩy việc sử dụng rộng khắp nồi hơi hiệu quả năng lượng và thực hành vận hành hiệu quả nhất trong các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam… Dự án sẽ góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi và phát triển thị trường nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.”
Dự án gồm ba hợp phần chính: Khung chính sách và quy định hỗ trợ hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi công nghiệp; Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực đối với các cơ quan nhà nước, người sử dụng, nhà cung cấp/sản xuất nồi hơi và các bên có liên quan khác; Hỗ trợ tài chính và triển khai thực hiện việc sử dụng và sản xuất nồi hơi hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.
Dự kiến, sau 4 năm thực hiện, Dự án sẽ đạt được các kết quả: Các quy định và hướng dẫn về hệ thống tiêu chuẩn hóa nồi hơi công nghiệp được xây dựng, áp dụng và tuân thủ; Nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin về nồi hơi hiệu quả năng lượng cho người sử dụng (doanh nghiệp công nghiệp), chuyên gia tư vấn, công ty dịch vụ năng lượng và nhà cung cấp/sản xuất nồi hơi; Tăng cường năng lực kỹ thuật của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp công nghiệp, nhà cung cấp/sản xuất nồi hơi, công ty tư vấn năng lượng và các tổ chức tài chính/ngân hàng; Tăng cường việc tiếp cận các nguồn tài chính và khuyến khích tài chính cho các dự án đầu tư sản xuất và sử dụng nồi hơi hiệu quả năng lượng và tăng số doanh nghiệp công nghiệp sử dụng nồi hơi hiệu quả năng lượng.
Dự án có tổng mức vốn là 12.053.000 USD trong đó: Vốn ODA do GEF viện trợ thông qua UNIDO là 1.771.000 USD; Vốn ODA viện trợ của UNIDO là 60.000 USD bằng tiền mặt và 50.000 USD bằng hiện vật và vốn đối ứng và đồng tài trợ từ các đối tác Việt Nam là 10.282.000 USD.