Xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo: Cần phối hợp đồng bộ

Đời sống - Ngày đăng : 06:45, 17/11/2015

(HNM) - Nhiều nội dung văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động quảng cáo (QC) chưa thống nhất với văn bản quản lý pháp luật chuyên ngành, các quy định liên quan đến QC màn hình nơi công cộng quá đơn giản… đang là kẽ hở khiến cho công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Biển quảng cáo tấm lớn. Ảnh: Khánh Nguyên


"Nở rộ" quảng cáo ngoài quy hoạch

Bên cạnh nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân sở tại thì nhiều doanh nghiệp QC từ các tỉnh cũng tăng cường hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Chính vì thế, hoạt động QC rất sôi động, đa dạng với nhiều loại hình. Từ năm 2014 đến nay, địa bàn thành phố có 62 bảng QC không phép, ngoài quy hoạch; 62 bảng QC có diện tích dưới 40m2 đứng độc lập, trong đó chỉ có 26 bảng dựng theo văn bản đồng ý của cơ quan tuyên giáo các cấp, còn lại là bảng tự dựng.

Đối với QC gắn tại nhà ở, công trình, dải phân cách, nhà chờ xe buýt, thành phố hiện còn hơn 1.300 bảng QC, trong đó tình trạng không thực hiện thông báo sản phẩm, bảng lắp dựng kích thước lớn, vị trí không phù hợp với quy định còn nhiều, đặc biệt là thực hiện sai nội dung thông báo (thường là thông báo QC tên doanh nghiệp nhưng sau đó QC sản phẩm, hàng hóa). Ngoài ra, một số nhà thầu QC cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật còn tùy tiện treo băng rôn ở các thân cây, cột đèn chiếu sáng, cột điện, đèn tín hiệu giao thông gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, vi phạm Luật QC.

Làm việc với Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thừa nhận, dù thành phố nỗ lực xử lý hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV), trên các tuyến phố chính đã khang trang, sạch đẹp hơn, nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp. Việc dán QCRV cho thuê nhà, tuyển lao động bằng giấy photocopy xảy ra thường xuyên, nhất là việc phát tờ rơi QC ở các giao lộ giao thông.

Khó khăn trong quản lý

Nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về QC đang được đặt ra. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động QC có nhiều nội dung chưa thống nhất với văn bản pháp luật quản lý chuyên ngành; các quy định liên quan đến QC bằng màn hình nơi công cộng quá đơn giản, lỏng lẻo. Thêm nữa, hiện tại Sở Văn hóa và Thể thao quản lý hoạt động QC ngoài trời, Sở Thông tin và Truyền thông quản lý hoạt động QC trên báo chí, xuất bản phẩm, mạng internet, các phương tiện truyền thông, nhưng lại chưa có văn bản liên bộ hướng dẫn thực hiện cụ thể và phân định trách nhiệm của hai cơ quan quản lý, đặc biệt là vấn đề quản lý màn hình chuyên QC.

Vấn đề khó khăn trong xử lý triệt để vi phạm QC hiện nay ở Hà Nội còn là việc nhiều doanh nghiệp không có hợp đồng thuê đất, nên không đủ giấy tờ để thực hiện thông báo sản phẩm QC, trong khi đã ký hợp đồng QC nên chấp nhận xử phạt để tồn tại. Hoạt động QC là hoạt động kinh tế, có lợi nhuận cao, vì thế một số tổ chức, cá nhân bất chấp pháp luật, tìm mọi cách dựng công trình QC và lách luật để thực hiện nội dung QC khi chưa được cơ quan quản lý chấp thuận. Cùng với đó, UBND nhiều quận, huyện không xử lý vi phạm triệt để khi mới phát sinh dựng biển, nên công tác xử lý càng ngày càng khó khăn.

Trước tình hình vi phạm Luật QC, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực này đã đề xuất với UBND thành phố cần phân rõ trách nhiệm của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã trong công tác quản lý lĩnh vực này, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Nhất là việc chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu cho UBND thành phố sớm có văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục thực hiện Luật Đất đai đối với QC tấm lớn có sử dụng đất. Thành phố cần có chế tài xử lý đối với các tổ chức cho thuê đất, dựng bảng QC trong khuôn viên đất dự án, khuôn viên trụ sở cơ quan, doanh nghiệp sai mục đích sử dụng đất được giao.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố, Nguyễn Thị Thùy khẳng định, công tác quản lý nhà nước về QC không chỉ riêng của ngành Văn hóa mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phân công lãnh đạo chỉ đạo từ thành phố đến cấp cơ sở. Tuy nhiên, với chức năng được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cần sớm rà soát lại và đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch QC tấm lớn để tuyên truyền nhiệm vụ chính trị; tham mưu cho thành phố xây dựng kế hoạch cưỡng chế những biển QC cỡ lớn không theo quy hoạch; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đặc biệt, sở cần hướng dẫn các quận huyện xây dựng các điểm QCRV miễn phí bằng nhiều hình thức; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả giải pháp chặn số điện thoại có QCRV trái phép.

Trong lúc chờ những giải pháp lâu dài, các sở, ngành chức năng của thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn trong xử lý nghiêm các vi phạm về QC trên địa bàn TP Hà Nội bảo đảm mỹ quan, đúng quy định pháp luật, thực hiện tốt Năm trật tự và văn minh đô thị 2015. 

Việt Tuấn