Chính phủ đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 06:08, 17/11/2015
Trong báo cáo, Chính phủ tổng hợp 17 lĩnh vực đã thực hiện giám sát và nhận được chất vấn của cử tri cả nước, gồm: Kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng; công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài nguyên - môi trường; giao thông - vận tải; xây dựng; lao động - thương binh và xã hội; y tế; giáo dục đào tạo; thông tin và truyền thông; văn hóa, thể thao và du lịch; tư pháp; nội vụ; thanh tra; an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ: Chính phủ, các bộ, ngành đã nghiêm túc triển khai các nghị quyết của QH và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH. Nhiều việc đã hoàn thành, cơ bản hoàn thành; một số việc mang tính chất thường xuyên, lâu dài, đang được triển khai tích cực. Song, cũng có những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do có bất cập trong cơ chế, chính sách, việc triển khai chưa quyết liệt, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực cần thiết và cần có thời gian. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai thực hiện các nghị quyết của QH trong thời gian tới, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém.
Ở lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Chính phủ, các bộ, ngành đã tăng cường quản lý vốn đầu tư từ NSNN và trái phiếu chính phủ, đẩy nhanh giải ngân, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi…, đồng thời chủ động bố trí vốn, bảo đảm hiệu quả. Việc tái cơ cấu DNNN được thực hiện (hiện đã sắp xếp 464 DNNN, trong đó cổ phần hóa 404 DN). Chính phủ cũng đề ra mục tiêu thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,9% năm 2011 lên 82,5% năm 2015; thực hiện Chiến lược biển, gắn phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm; hiệu quả đầu tư công chưa cao. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm...
Lĩnh vực tài chính, nổi bật là đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế; trên 98% DN đã kê khai thuế qua mạng; 80% DN đã nộp thuế theo phương thức điện tử; trên 98% kim ngạch xuất nhập khẩu đã được thông quan điện tử. Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công; các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định; tăng cường quản lý NSNN, xử lý nghiêm thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, việc cân đối NSNN còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao; việc quản lý và sử dụng NSNN ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.
Với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chính phủ, Bộ NN&PTNT tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa nông nghiệp; bảo vệ và phát triển rừng gắn với hỗ trợ giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Ở lĩnh vực y tế, nổi bật là Chính phủ đã ưu tiên bố trí khoảng 7% tổng chi NSNN (7,6% nếu tính cả trái phiếu chính phủ) và đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích hợp tác công-tư đầu tư phát triển hệ thống cơ sở y tế; triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện; ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA cho các trạm y tế xã; nâng cao y đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế. Tuy vậy, chất lượng khám chữa bệnh còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở tuyến cơ sở; tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương chưa được khắc phục căn bản. Vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.
* Sau đó, QH cũng đã nghe Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày trước QH báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của QH về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
* Cũng trong buổi sáng, các đại biểu QH nghe Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Đức Hiền trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ chín của QH và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến.
Về trả lời kiến nghị của cử tri, đến trước kỳ họp thứ mười của QH, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu tiếp thu, giải quyết, trả lời 1.676 /1.676 kiến nghị, đạt 100%. Trong đó, QH và các cơ quan của QH, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã nghiên cứu, tiếp thu trả lời lần lượt các kiến nghị mà cử tri nêu ra. Về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát: Từ kỳ họp thứ hai đến kỳ họp thứ chín của QH, Ủy ban Thường vụ QH đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao xem xét, giải quyết 24 nhóm vấn đề.
Đến nay, cơ bản đã được triển khai thực hiện, trong đó phải kể đến 9 nhóm vấn đề: Quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; quản lý, sử dụng đất trồng lúa, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm cho người sản xuất lúa có lãi; giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của ngư dân; giải quyết khó khăn cho người dân tái định cư các công trình thủy điện; quản lý, kinh doanh xăng, dầu; khắc phục tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục và chính sách miễn giảm học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ người dân xây dựng phát triển nhà ở; chế độ, chính sách đối với cán bộ xã, phường thị trấn; hướng dẫn thi hành luật thuộc thẩm quyền của TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao.
Đánh giá về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến các kỳ họp của QH khóa XIII, Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ, việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị đã được các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức khác ở TƯ thực hiện nghiêm túc, trả lời đầy đủ kiến nghị thuộc thẩm quyền. Trong đó, số kiến nghị trả lời đúng thời hạn chiếm gần 70%; nhiều kiến nghị về ban hành chính sách, pháp luật đã được tiếp thu, giải quyết kịp thời.
Việc tổ chức triển khai thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ QH đã được Chính phủ, bộ, ngành triển khai thực hiện tích cực, nhiều kiến nghị đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu. Trong đó phải kể đến việc đã ban hành chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp; chính sách phát triển thủy sản; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; quản lý, sử dụng đất trồng lúa... Việc giải quyết khó khăn cho người dân trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói chung, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở tại đô thị đã có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi QH có nghị quyết về vấn đề này, với gần 97% tổng diện tích đất ở, nhà ở được cấp.
Ủy ban Thường vụ QH cũng đánh giá, vẫn còn một số bộ, ngành giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ chín và một số kỳ họp trước còn chậm; báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết còn chưa đầy đủ, nội dung chưa rõ ràng… Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của QH, đoàn đại biểu QH, các đại biểu QH; Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện một số giải pháp cụ thể.