Cho vay lĩnh vực bất động sản: Ám ảnh bởi nợ xấu

Tài chính - Ngày đăng : 06:42, 16/11/2015

(HNM) - Các chuyên gia cảnh báo, ngân hàng không nên quá mở tăng trưởng tín dụng cho vay BĐS nếu không muốn có thêm những khoản nợ xấu mà dư âm từ các năm trước đến nay vẫn chưa giải quyết xong…

Chắc ít ai quên cách đây mấy năm, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức "nóng", có những thời điểm tăng tới 35%. Thời điểm đó, ngân hàng "khát" vốn đến mức tìm mọi cách để huy động vốn, chạy đua tăng lãi suất "ngầm" nhằm kéo khách từ ngân hàng khác, gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh. Khó có thể quên "ngày đen tối" của hệ thống ngân hàng khi lãi suất huy động VND bỗng dưng "leo lên" 18%/năm, đẩy lãi suất cho vay lên 21%/năm, thậm chí 23-24%/năm. Mặc dù cơn sóng ngầm lãi suất huy động đã dừng sau chỉ 1 ngày ngân hàng đẩy lãi suất lên 18%/năm trước biện pháp cứng rắn của cơ quan chức năng là áp dụng mức lãi suất trần, song có thể hiểu ngành Ngân hàng "đói" vốn đến mức nào?

Ảnh minh họa


Tín dụng tăng trưởng quá "nóng", hậu quả là ngành Ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản, thua lỗ, không còn khả năng chi trả. Không ít ngân hàng bị xóa sổ khi bị sáp nhập hay những ngân hàng chỉ còn giá trị 0 đồng, với hàng trăm cổ đông phải ngậm ngùi trắng tay cho thấy hậu quả lớn mà các ngân hàng phải gánh cho thời kỳ cho vay quá dễ dãi. Trong số những khoản nợ xấu có tên lĩnh vực BĐS, với hàng loạt dự án đắp chiếu hoặc không thể khởi công đúng tiến độ, dẫn tới nhiều ngân ngành rơi vào cảnh lao đao. Những khoản nợ trước đây vẫn được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho ngân hàng bỗng dưng mất đi 1/3, thậm chí là 1/2 giá trị. Với những khách hàng cá nhân có nguồn vốn vay để mua căn hộ, nhà, ngân hàng có thể tịch thu tài sản, còn với những dự án cả nghìn tỷ đồng, ngân hàng muốn cưỡng chế nhằm "gỡ" lại lợi nhuận cũng không đơn giản, vì nhiều dự án không thu hút người mua.

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần có hội sở ở Hà Nội thừa nhận, thời kỳ tăng trưởng nóng, ngân hàng cho vay chủ yếu đối với lĩnh vực BĐS. Khi BĐS đóng băng, ngân hàng gần như vô vọng, vì không thể bán nhà, đất trong bối cảnh hầu như không có người mua. Hơn nữa, hiện nay, giá BĐS khá rẻ so với thời điểm "bùng nổ" trước đó, nên ngân hàng cũng bị thiệt hại không nhỏ. Đó là chưa kể chi phí cho việc thu giữ tài sản bảo đảm của cá nhân, doanh nghiệp tốn kém, cộng với thời gian thu hồi kéo dài, có thể vài tháng, thậm chí vài năm, nên thiệt hại vẫn rơi vào ngân hàng.

Theo các chuyên gia, cho vay BĐS là một kênh có thể mang lại không ít lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng thông thường những thứ dễ thu lợi nhuận cũng sẽ đầy rủi ro, bởi "sức khỏe" của thị trường BĐS phụ thuộc lớn vào nền kinh tế. Nếu nền kinh tế thuận chiều, người dân có nhiều điều kiện để mua nhà và ngược lại, nếu bức tranh kinh tế ảm đạm, nhu cầu vay mua nhà sẽ giảm. Song, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, việc cho vay đối với lĩnh vực này cũng cần thận trọng, tránh cho vay quá tràn lan, bởi nền kinh tế đã bị cú sốc quá mạnh từ những món nợ xấu trước nên không thể gánh thêm những khoản khác, khi những món nợ xấu cũ chưa thể xử lý triệt để.

Đức Anh