Cải cách giáo dục lịch sử: Phải bắt đầu từ nhận thức đúng!

Xã hội - Ngày đăng : 06:00, 16/11/2015

(HNM) - Việc tích hợp môn Lịch sử với các môn Giáo dục công dân và Quốc phòng an ninh thành môn học mới là Công dân với Tổ quốc trong dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã trở thành chủ đề "đốt nóng" dư luận những ngày qua.

Giới nghiên cứu lịch sử và không ít chuyên gia giáo dục cho rằng: Lịch sử phải là một môn học độc lập, không thể "xé nát" hoặc tích hợp một cách giản đơn như phép tính cộng. Có ý kiến khẳng định: Sử Việt Nam là phải bắt buộc học trong chương trình phổ thông, nếu không sẽ là một "thảm họa"… Trong "bão táp" dư luận, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã lên tiếng: Không bỏ môn Lịch sử, cũng không coi nhẹ môn Lịch sử khi xây dựng môn học mới. Vấn đề là cùng với việc cấu trúc lại hệ thống môn học sẽ có những điều chỉnh về nội dung chương trình, định hướng dạy học để học sinh thật sự muốn học và học có hiệu quả hơn môn Lịch sử…

Phía sau những cuộc tranh luận có thể nhìn thấy điểm chung giữa những người chủ trương "cấu trúc lại hệ thống môn học" và những người cho rằng "không thể tích hợp" môn lịch sử (tạm gọi như vậy) là mong muốn: Làm cho học sinh muốn học và học có hiệu quả môn học này. Đích chung là như vậy, tại sao vẫn phải "trao đi, đổi lại", phải tốn kém nhiều giấy mực? Phải chăng môn học Lịch sử chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng mức trong chương trình phổ thông? Phải chăng vẫn có những khác biệt trong tư duy của các nhà quản lý giáo dục và giới chuyên gia xoay quanh chuyện dạy và học môn Lịch sử? Để trả lời những câu hỏi nêu trên, hãy đặt cuộc "cải cách" giáo dục này trong bối cảnh rất đáng lo ngại: Đã có hàng nghìn điểm 0 môn Lịch sử ở các kỳ thi quốc gia và rất nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" như Quang Trung và Nguyễn Huệ là hai anh em… Trong khi đó, việc dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa cho thấy tiến triển khả quan. Môn học không thể thiếu để hình thành, bồi đắp tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc cho mỗi công dân nước Việt vẫn là gánh nặng đối với người học và là bài toán khó đối với người dạy. Từ thực tế nêu trên có thể thấy: Cải cách việc dạy và học môn Lịch sử là đòi hỏi cấp bách. Tuy nhiên, cải cách thế nào lại là câu chuyện khác.

Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến), hệ thống các môn học sẽ được thiết kế theo hướng tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên và tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới. Trong sự đổi mới ấy, môn Lịch sử sẽ được tích hợp trong môn học Công dân với Tổ quốc. Về sự tích hợp này, Bộ GD-ĐT cho rằng: Các môn học Lịch sử, Giáo dục công dân, Quốc phòng an ninh gần gũi với nhau, cùng nhằm giáo dục đạo đức, trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc…, do vậy lồng ghép là hợp lý. Vấn đề là chương trình phân môn Lịch sử trong môn học Công dân với Tổ quốc cần được đổi mới kết cấu, nội dung chương trình, cách trình bày các sự kiện, hiện tượng lịch sử, đánh giá, nhận xét… Tái cấu trúc hệ thống môn học là cần thiết, đặc biệt với chương trình học hiện nay: Môn học nhiều, hiệu quả thấp, môn bắt buộc nhiều, lựa chọn ít… Thế nhưng, tái cấu trúc không phải là sự những tích hợp đơn giản các môn học.

Tích hợp là một xu hướng của giáo dục hiện đại, cần được ứng dụng trong nền giáo dục nước nhà, nhưng tích hợp không phải là những phép cộng đơn thuần. Tích hợp như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất là câu chuyện không đơn giản, đặc biệt với môn Lịch sử. Kiến thức lịch sử có thể sử dụng cho hoạt động nhận thức của nhiều môn học, nhưng tích hợp Lịch sử vào môn học Công dân với Tổ quốc là vấn đề cần được nghiên cứu một cách khoa học và phải cân nhắc kỹ lưỡng. Lịch sử là môn học về quá khứ, liên quan mật thiết đến sự hình thành và phát triển của quốc gia, đến vận mệnh của dân tộc, do vậy, cần được nhận thức trong một hệ thống kiến thức và không thể xem nhẹ vai trò, vị trí của môn học này. Lo ngại về sự lắp ghép những kiến thức rời rạc, những "mảnh vỡ của lịch sử" vào một môn học sẽ khiến hiểu biết về lịch sử của học sinh thiếu căn bản và thiếu tính hệ thống, không đáp ứng được mục tiêu giáo dục phổ thông về phát triển toàn diện nhân cách con người… là có cơ sở và rất đáng để suy nghĩ.

Lịch sử là một môn khoa học không chỉ hàm chứa tri thức của nhân loại mà còn chất chứa tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân với đất nước mình, dân tộc mình. Lịch sử của mỗi quốc gia có số phận riêng được quyết định bởi đặc điểm địa lý nhân văn và bản lĩnh của dân tộc đó. Lịch sử cũng là "kho chứa", là sự tích hợp các giá trị và cũng vì thế, lịch sử trở thành một trong những điểm tựa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên con đường phát triển. Nếu không hiểu biết lịch sử, không thể khơi dậy và duy trì lòng yêu nước và nếu không có lòng yêu nước, không thể bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Mặt khác, không hiểu biết lịch sử, không thể xác định được dân tộc mình, quốc gia mình đang ở đâu; đâu là mặt mạnh, là điểm yếu; đâu là con đường để sánh bước cùng nhân loại trong tương lai. Do vậy, hoàn toàn có cơ sở nếu ai đó nói rằng: Những người trẻ không quan tâm tới lịch sử hoặc rời xa môn học Lịch sử sẽ là một "thảm họa" đối với dân tộc… Điều này lý giải tại sao việc tích hợp môn Lịch sử vào môn học Công dân với Tổ quốc lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Những ý kiến trái chiều, những tranh luận đôi lúc có phần gay gắt xoay quanh việc tích hợp và không thể tích hợp môn Lịch sử vào môn học Công dân với Tổ quốc đã cho thấy trách nhiệm của giới chuyên môn (các nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia giáo dục…) đối với một vấn đề không mới nhưng luôn "nóng" là dạy và học môn Lịch sử. Đồng thời, những cuộc "trao đi, đổi lại" ấy đã đánh thức tư duy về những vấn đề mà nếu dừng lại khái niệm đúng sai hay "cái tôi" của người tranh luận sẽ không thể đi đến cùng bản chất của sự việc. Một thực tế gây nhiều bức xúc với nhà nghiên cứu, những người yêu lịch sử trong nhiều năm qua là việc Bộ GD-ĐT chưa đánh giá đúng vai trò, vị trí của môn Lịch sử trong các môn học phổ thông. Đây có thể xem là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến những hệ lụy của việc dạy và học môn Lịch sử hiện nay. Chương trình giảng dạy môn Lịch sử cho học sinh phổ thông (nói chung) quá nặng về lịch sử chiến tranh với những con số, những sự kiện khô khan. Cùng với đó là cách nhìn lịch sử một chiều, cách miêu tả sự kiện nhiều lúc thiếu tính khoa học. Có không ít vấn đề không được nghiên cứu, lý giải một cách thỏa đáng nên rung lắc dữ dội trước ngổn ngang tài liệu được công bố với những thông tin trái, thậm chí phủ nhận lẫn nhau… Trong khi lối dạy từ chương "thầy nói trò nghe", sách giáo khoa là pháp lệnh tiếp tục làm cho môn học Lịch sử trở nên vô hồn. Mặt khác, cũng không mấy người trẻ hiểu rằng kiến thức xã hội nhân văn nói chung và lịch sử nói riêng là điểm tựa quan trọng để họ gặt hái thành công trong cuộc sống nên họ không học và không muốn học.

Trong bối cảnh như vậy, trước hết cần một nhận thức đúng về dạy và học môn Lịch sử. Thời đại nào cũng vậy, lịch sử nói riêng và các môn khoa học xã hội nhân văn đều hướng tới mục đích là thông qua tri thức của mỗi cộng đồng, quốc gia, dân tộc được tích lũy qua nhiều thế hệ để xây dựng nhân cách con người. Do vậy, vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất của việc dạy sử không phải là những sự kiện, những nhân vật mà là sự thật. Người dạy sử không thể che giấu sự thật bởi chỉ có sự thật mới định hình được tư duy của con người về quy luật cuộc sống và của từng thời đại. Mặc khác, bên cạnh việc cung cấp kiến thức, người dạy phải mang đến cho người học phương pháp tiếp cận đúng đắn để họ có thể nhận thức được quy luật phát triển của quá khứ và hiện tại và qua đó tìm ra con đường hướng tới tương lai. Lịch sử là niềm kiêu hãnh, là khúc tráng ca, là cả những đau đớn và thật sự là bài học kinh nghiệm để thế hệ sau nhận rõ những cạm bẫy, chông gai để không mắc phải sai lầm của thế hệ đi trước… Vì vậy, cần đánh giá đúng vai trò của môn học Lịch sử và đặt đúng vị trí môn học này trong chương trình phổ thông.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, việc dạy và học môn Lịch sử hiện nay đang tồn tại không ít bất cập và ẩn chứa nhiều hệ lụy rất đáng lo ngại, do vậy rất cần một cuộc đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng. Thế nhưng, để công cuộc cải cách mang lại hiệu quả thực tế thì vấn đề quan trọng nhất là phải có nhận thức đúng. Nhận thức đúng sẽ mang đến một tư duy đúng. Nếu ai đó coi nhẹ vai trò và vị trí của môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông là cực kỳ nguy hiểm. Với một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử phải đối mặt với họa xâm lăng thì giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Cù Xuân Trường