Muốn chuyên tâm, cần gỡ bỏ nỗi lo cơm áo

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:58, 16/11/2015

(HNM) - Lâu nay, về những vấn đề "nóng" trong đời sống xã hội, dư luận quan tâm nhiều đến chuyện của ngành Y tế, Giáo dục. Đó là điều dễ hiểu, bởi đó là những lĩnh vực có liên quan trực tiếp tới nền tảng kiến thức, sức khỏe của nhân dân.



Ít ai, ít gia đình nào có thể thờ ơ trước thông tin về sự bất cập nào đó của ngành Giáo dục và Y tế. Một câu nói "khó nghe" của bác sĩ, y tá đối với bệnh nhân cũng có thể trở thành tâm điểm của báo chí. Một hành động thiếu mô phạm của thầy, cô giáo đối với học sinh cũng có thể gây "bão dư luận". Hoạt động trong nhiều trường mầm non tư thục giờ được "truyền hình trực tiếp", bố mẹ, ông bà chỉ cần vào mạng, "lên phây" là tường tận con cháu mình làm gì, cô giáo đối xử với chúng ra sao, bạn bè chơi với nhau thế nào, ai là "thủ phạm" và cô giáo phân xử xích mích giữa chúng có công bằng hay không… Nói không ngoa, người theo nghề giáo và nghề y giờ phải chịu rất nhiều áp lực. Có những áp lực chính đáng và cả áp lực không đáng có, như người ta nói là có gì đó giống như "làm dâu trăm họ".

Ngành Y tế và Giáo dục quan trọng với đời sống nhưng còn bất cập, cần phải tiếp tục chỉnh đốn về nhiều mặt. Tuy thế, khi bàn về vấn đề này, dễ thấy thực tế là chúng ta thường đòi hỏi cán bộ y tế, giáo dục phải thế này, phải thế kia, ít khi "người ngoài" đề cập tới vấn đề đời sống của họ dựa trên nguồn thu nhập chính đáng là như thế nào hoặc đặt câu hỏi vì sao mà một bộ phận cán bộ của hai ngành này lại làm điều không đúng với yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp. Người ta dễ dàng mở miệng nói ngày 20-11 là "ngày hiến cam" (trước đây), rằng muốn thấy "thầy thuốc như mẹ hiền" thì cần chuẩn bị sẵn "phong bì" mà quên nói ra ai là người mua cam và ai là người chuẩn bị những chiếc phong bì đó. Ta nói và quan tâm đến việc y tế, giáo dục đã được đầu tư xây dựng bệnh viện này, ngôi trường kia mà quên mất rằng chủ thể của những ngôi trường, bệnh viện đó có thu nhập "cứng" như thế nào, liệu họ có sống tốt bằng khoản thu nhập đó mà không phải "làm thêm"…

Nói một cách công bằng thì nhà giáo và cán bộ y tế đang hoạt động trong môi trường, điều kiện làm nghề đã có sự thay đổi vượt bậc so với thời bao cấp. Trường lớp khang trang hơn trước, hoạt động bổ trợ cho quá trình dạy và học đa dạng, phong phú và hiệu quả hơn. Trang thiết bị y tế cũng khác, giúp cán bộ y tế có thêm điều kiện hành nghề. Nhưng chừng đó thôi có đủ giúp cán bộ y tế, nhà giáo can đảm nhìn thẳng vào những món quà từ phụ huynh học sinh và bệnh nhân đưa ra nhằm đổi lấy sự ưu ái khi thu nhập chính đáng của họ còn ở mức khiêm tốn? Ai sẽ hiểu và thông cảm với một bác sĩ vùng cao khi người này nói rằng "tôi nhận thức rõ sự cần thiết phải chia sẻ với nỗi đau bệnh tật của người dân, nhưng rất băn khoăn rằng liệu chúng tôi có thể nhất tâm hướng tới sự hài lòng của người bệnh hay không khi bản thân mình không hài lòng với đãi ngộ và công việc"?

Bởi vậy, khi nói về ngành Y tế, Giáo dục cũng như nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là về sự hạn chế cần phải khắc phục, giải pháp đưa ra không chỉ là xây công trình này, nhập thiết bị kia, là hình thức kỷ luật đối với người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mà còn là tìm cách nâng cao đời sống của cán bộ, người lao động, giúp họ cởi bỏ phần nào nỗi lo cơm áo gạo tiền. Có được chế độ đãi ngộ đủ để lo cho cuộc sống gia đình, người lao động sẽ không chấp nhận đánh đổi công việc của mình, tương lai của mình để lấy những món lợi nhất thời.

Dục Tú