Thị trường bán lẻ: Chủ động để không thua trên “sân nhà”

Kinh tế - Ngày đăng : 08:00, 14/11/2015

(HNM) - Việt Nam đang hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế và thị trường phân phối, bán lẻ (TTBL) được các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đánh giá có nhiều tiềm năng, hấp dẫn để đầu tư. Nhiều DN

Khách hàng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Coopmart. Ảnh: Trần Hải


Điều này cho thấy thị trường Việt Nam ngày càng "nóng", với cả cơ hội cũng như thách thức dành cho các DN, siêu thị, trung tâm thương mại… PV Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội về vấn đề này.

- Ông có thể cho biết đặc điểm TTBL Việt Nam và vì sao các DN bán lẻ trong nước chưa phát huy được lợi thế "sân nhà"?

- TTBL Việt Nam đang phát triển tương đối nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân về doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2011-2014 đạt mức 15-16%/năm. Đến nay, cả nước có 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại, 9.000 chợ và hàng chục vạn cửa hàng bán lẻ. Hàng hóa trên thị trường đa dạng, nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Sự tác động mạnh mẽ của quy luật cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ và phục vụ người tiêu dùng giữa siêu thị nội và siêu thị ngoại, kênh bán hàng truyền thống như chợ, cửa hàng lẻ với cơ sở bán lẻ hiện đại ngày càng trở nên gay gắt.

TTBL Việt Nam có tiềm năng lớn, với 90 triệu người, đa số là giới trẻ, có thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng; thị trường nông thôn với 60% dân số chưa được khai thác nhiều. Phương thức bán lẻ hiện đại mới chiếm thị phần ở mức thấp, khoảng 20-25%. Tiềm năng lớn như vậy, song hoạt động bán lẻ Việt Nam nói chung, nhất là siêu thị Việt Nam nói riêng chưa phát huy được những lợi thế "sân nhà" trong khi đã am hiểu thị hiếu tiêu dùng người Việt nhiều năm, có lợi thế về mạng lưới thương mại sẵn có, có khách hàng thân thiện với các thương hiệu trong mấy chục năm qua.

Tuy nhiên, những lợi thế đó cũng không bù đắp nổi một số điểm yếu của hệ thống bán lẻ Việt Nam: Đa số các DN bán lẻ Việt Nam là quy mô vừa và nhỏ, ít vốn vì phụ thuộc vào vay ngân hàng 60-70%. Chi phí vay cao hơn các DN nước ngoài 3-4%/năm. Trong khi đó, nhiều đơn vị chưa có chiến lược kinh doanh bài bản; nguồn nhân lực, kể cả nhân sự cấp cao chưa được đào tạo đầy đủ dẫn đến trình độ quản trị DN yếu. Đặc biệt, mối liên kết giữa các DN với nhau, giữa sản xuất và phân phối còn nhiều trở ngại, manh mún, nên chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp chung của đội ngũ bán lẻ "thuyền thúng" Việt Nam.

Mặt khác, các yếu tố khách quan như thể chế kinh tế, các chính sách vĩ mô của Nhà nước chưa được cải thiện cơ bản làm cho chi phí lưu thông, sản xuất, chi phí kho vận cao nhất trong khu vực. Việc tiếp cận đất đai để phát triển chuỗi siêu thị mất nhiều thời gian, tốn nhiều chi phí, nạn hàng lậu và hàng giả tràn lan, làm hại hàng Việt nhưng chưa ngăn chặn một cách hiệu quả.

- Theo ông cần làm gì để DN "nội" đứng vững, nâng cao thị phần và cạnh tranh được với DN "ngoại"?

- Để các DN bán lẻ Việt Nam đứng vững trên "sân nhà", không có cách nào khác là phải tự đổi mới chính mình, tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kết hợp ý thức phục vụ khách hàng. Các đơn vị phải liên kết lại một cách chặt chẽ, kinh doanh bài bản, nghiêm túc; hướng tới sự bền vững. Cần từng bước xây dựng thương hiệu của riêng khối DN bán lẻ nội, làm tốt công tác quản trị DN, đào tạo nguồn nhân lực theo hướng năng động và chuyên nghiệp. Mỗi đơn vị cần nhanh chóng xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa phục vụ, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước về cải cách thủ tục hành chính, cơ hội tiếp cận đất đai, giảm chi phí kinh doanh, kiểm soát thị trường... Bên cạnh đó, cần hướng tới việc tạo lập các chuỗi phân phối bền vững, đủ sức cạnh tranh ở thị trường nội địa.

- Xu hướng mua bán, sáp nhập, hợp tác kinh doanh giữa các DN hiện thế nào và có đáng lo ngại?

- Một vài năm gần đây, xu hướng mua bán, sáp nhập, hợp tác kinh doanh giữa các DN nước ngoài và các DN trong nước, giữa DN trong nước với nhau diễn ra sôi động. Đơn cử, Tập đoàn BJC Thái Lan mua 19 điểm bán hàng của siêu thị Metro và chuỗi siêu thị Familymart của Phú Thái, AEON mua 49% cổ phẩn của Citimart và 30% của Fivimart, Tập đoàn Vingroup mua một phần của hệ thống siêu thị Vinatex, Oceanmart... Những động thái trên cho thấy sự hấp dẫn và tiềm năng lớn của TTBL Việt Nam. Các chuyên gia cho rằng, họ đã có những cách đi thích hợp để trong một thời gian ngắn chiếm lĩnh và thâm nhập hàng chục cơ sở, đặt chân vào mạng lưới phân phối mà các DN nội mấy chục năm xây dựng liên tục mới có. Theo tôi, nếu DN "nội" không vươn lên mạnh mẽ thì sự lép vế, nguy cơ bị thôn tính bởi DN nước ngoài có thể tiếp tục diễn ra-đó là sự chọn lọc tự nhiên trong cơ chế thị trường.

- Ngành bán lẻ trong nước liệu có "thua" trên sân nhà?

- Hiện tại còn quá sớm để khẳng định là "thua". Các trường hợp DN "ngoại" mua lại (hoặc mua một phần) DN "nội" là sự bình thường, với sự thỏa thuận của cả hai bên mua và bán. Vì vậy, không có nghĩa là bên bán phải chịu thiệt hại. Trong thách thức lớn của hội nhập cũng đi kèm nhiều cơ hội, nên cần nhận thức đúng vai trò của thị trường và đóng góp cũng như vị thế của đội ngũ DN bán lẻ nội địa. Theo tôi, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phát triển liên tục, suôn sẻ.

Ngoài ra, cần thực hiện các quy hoạch mạng lưới bán lẻ theo tiêu chí khoa học và hiệu quả, tránh duy ý chí… Cơ quan quản lý cần tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho DN bán lẻ trong, ngoài nước cùng cạnh tranh, phát triển, hướng tới văn minh thương mại và vì quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công thương nên quan tâm thỏa đáng công tác xúc tiến thương mại, khơi thông cung-cầu giữa các vùng miền trong cả nước, phát huy tinh thần ủng hộ DN nội, phát triển chuỗi cung ứng hiệu quả, có sức cạnh tranh ở thị trường nội địa. Về phần mình, các DN "nội" cần chủ động làm tốt công tác quản trị, xây dựng thương hiệu và chiến lược kinh doanh một cách bài bản, tạo dựng bản sắc riêng để đứng vững trên "sân nhà". Vấn đề chủ yếu vẫn là vừa cạnh tranh, vừa hợp tác giữa các DN "nội" với DN "ngoại" trong lĩnh vực bán lẻ.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi! 

Hồng Sơn