Xác định “điểm nóng” để đấu tranh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:53, 14/11/2015

(HNM) - 10.120,6 tỷ đồng là số tiền mà các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại quốc gia (BCĐ 389) đã thu hồi, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) qua việc xử lý 168.939 vụ việc vi phạm trong 10 tháng.

Hải quan Nội Bài kiểm tra, xử lý sừng tê giác và ngà voi nhập lậu.


Đáng lo ngại, theo đánh giá của BCĐ 389, tình trạng buôn lậu vẫn đang diễn biến phức tạp trên cả đường biển, đường bộ và hàng không. Để đối phó với những thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi, lực lượng chức năng sẽ khoanh vùng, xác định những "điểm nóng" để tập trung đấu tranh, phát hiện sai phạm nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả.

Buôn lậu tăng mạnh về cả số lượng và quy mô

Đầu tháng 11-2015, lực lượng chống buôn lậu của Tổng cục Hải quan (TCHQ) đã rà soát, khoanh vùng hơn 2.000 container hàng hóa nhập khẩu tại khu vực cảng TP Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra thực tế, TCHQ đã phát hiện 204 container chứa hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện. Hàng hóa vi phạm đã qua sử dụng như điều hòa nhiệt độ, máy giặt, xe máy, nồi cơm điện, thực phẩm chức năng… Tổng khối lượng hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 5.000-6.000 tấn, có trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng TCHQ, Chánh văn phòng BCĐ 389 cho biết, sau khi nắm được thông tin về vụ việc nêu trên, TCHQ đã kịp thời báo cáo và nhận được sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ 389 với quan điểm xử lý kiên quyết số hàng hóa vi phạm. Số container chứa hàng vi phạm là của 25 DN, trên vận đơn khai báo là máy móc đã qua sử dụng. Nhưng thực tế là hàng điện lạnh đã qua sử dụng (máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện…) thuộc diện cấm nhập khẩu. Mặc dù nhiều DN đứng tên nhận hàng trên vận đơn đã từ chối nhận hàng, nhưng quan điểm của lãnh đạo TCHQ là tiếp tục mở rộng điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trường hợp đến mức phải xử lý hình sự, cơ quan hải quan sẽ xem xét khởi tố vụ án.


Theo BCĐ 389, trong 10 tháng, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 168.939 vụ việc vi phạm. Số thu nộp NSNN từ xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh, kiểm tra, truy thu thuế là 10.120,6 tỷ đồng, khởi tố 1.066 vụ án hình sự. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chỉ tính riêng kết quả chống buôn lậu của lực lượng hải quan, qua thanh tra, kiểm tra sau thông quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 17.853 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN ước 1.529,11 tỷ đồng, khởi tố 17 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố 45 vụ vi phạm.

Đối phó với những thủ đoạn tinh vi

Theo nhận định của BCĐ 389, mặt trận buôn lậu diễn biến phức tạp trên cả đường biển, đường bộ và hàng không. Tại biên giới, cửa khẩu đường bộ khu vực phía Bắc và bắc miền Trung nổi lên hoạt động buôn lậu ma túy, thuốc nổ, pháo, công cụ hỗ trợ, đồ chơi bạo lực, buôn lậu gỗ, động vật, thực vật hoang dã. Trên các vùng biển Đông Bắc, miền Trung và vùng biển Tây Nam lại nổi lên tình trạng buôn lậu xăng, dầu, than, quặng, gỗ, thuốc lá điếu. Các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, các đối tượng vi phạm thường lợi dụng vận chuyển trái phép ma túy, các loại hàng hóa có giá trị cao, có thuế xuất thuế tiêu thụ đặc biệt cao...

Thời gian gần đây, đã xuất hiện các đối tượng lợi dụng những hiệp định thương mại song phương, đa phương để cấu kết với những đối tượng ở nước ngoài đưa hàng hóa thành phẩm vào Việt Nam, nhưng khai báo là nguyên liệu để được cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam rồi xuất sang các nước, hưởng ưu đãi thuế quan. Đơn cử, qua kiểm tra hàng hóa của một DN Nga, lực lượng chống buôn lậu hải quan đã phát hiện 22 container nhập khẩu, khai báo là đá khối nhập khẩu. Song, qua kiểm tra thực tế hàng hóa, lực lượng hải quan phát hiện toàn bộ lô hàng là đá đã xẻ, đã đánh bóng thành phẩm. Được biết, thuế nhập khẩu với đá khối là 5%, còn đá xẻ là 20%. Như vậy, tại vụ việc này, DN đã vi phạm trốn 15% thuế nhập khẩu, đồng thời sẽ gian lận được số tiền hoàn thuế của lô hàng theo quy định hiện hành. Qua xác minh của cơ quan hải quan, DN không sản xuất, mỗi năm công ty này nhập khẩu và được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phía Nam cấp C/O cho hàng nghìn container. Chỉ cần ước tính sơ bộ cũng có thể thấy, số thuế DN gian lận rất lớn. Nếu không xử lý nghiêm và có biện pháp trừng phạt thích đáng, những đối tượng này sẽ làm tổn hại trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các DN Việt Nam.

Về chiến lược chống buôn lậu tại khu vực biên giới phía Bắc, đặc biệt là những "điểm nóng" về buôn lậu, đại diện BCĐ 389 cho biết, việc đánh giá nắm tình hình nội biên, ngoại biên, quản lý đường biên giới và hoạt động buôn bán tiểu ngạch luôn được quan tâm. Ngay từ đầu quý II năm nay, các địa bàn trọng điểm được xác định rõ gồm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn. Chiến lược này cũng sẽ thay đổi tùy theo diễn biến thực tế của hoạt động buôn lậu. Trong những tháng cuối năm, BCĐ 389 sẽ tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Bính Thân 2016. BCĐ sẽ tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu, hành vi tiếp tay cho buôn lậu. 

Hương Ly