Sản xuất - tiêu thụ rau an toàn: Giải bài toán lòng tin và chất lượng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 13/11/2015

(HNM) - Hiện nay, đề án sản xuất - tiêu thụ rau an toàn (RAT) của thành phố sắp đến giai đoạn kết thúc. Nhìn chung, đề án bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người sản xuất trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) song đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, người tiêu dùng chưa tin tưởng RAT dù đã gắn tem, nhãn mác, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ rau phá sản do kinh doanh không có lãi...

Chăm sóc rau an toàn tại xã Tiên Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Hiền Thái


Giải pháp để người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh RAT có lãi và người tiêu dùng được sử dụng rau sạch là những nội dung được thảo luận trong hội nghị kiểm soát, kết nối sản xuất tiêu thụ RAT Hà Nội năm 2015 do Chi cục BVTV Hà Nội tổ chức ngày 12-11.

Người tiêu dùng thiếu lòng tin

Thực hiện đề án sản xuất, tiêu thụ RAT giai đoạn 2010-2015, toàn thành phố đã có 5.100ha RAT, trong đó 171ha rau VietGAP và 21ha rau hữu cơ. Sản lượng đạt 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, giá trị đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm. Riêng các vùng trồng rau trái vụ tăng thêm 3-5 vụ/năm, giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, có diện tích đạt 2 tỷ đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Duy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, hiện sản xuất RAT vẫn khó khăn ở đầu ra do người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng.

Thời gian qua, RAT Hà Nội đã hình thành một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, có tem, nhãn nhận diện, truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua 18 doanh nghiệp, 17 HTX cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ, điểm phân phối, bếp ăn tập thể và hệ thống siêu thị nhưng sản lượng còn ít, chỉ đạt 20.000 tấn/năm, chiếm 5% sản lượng RAT, 3% sản lượng rau, 2% nhu cầu tiêu dùng. Còn RAT chưa có tem, nhãn nhận diện truy xuất nguồn gốc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu dân cư với sản lượng trên 370.000 tấn/ năm chiếm 92,5% sản lượng RAT, 61,67% sản lượng rau, 37% nhu cầu tiêu dùng.

Các doanh nghiệp kinh doanh RAT rất ít, hệ thống bán lẻ tiện ích chưa phát triển mạnh nên số lượng RAT tiêu thụ không nhiều; người sản xuất chưa bán được đúng với giá trị của rau dẫn đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh RAT bị thua lỗ nặng hay phá sản thời gian qua như: Tonkin, Hương Cảnh... Chưa kể, theo ông Nguyễn Mạnh Tùng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (Thanh Trì), hiện RAT chưa tạo được lòng tin cho người tiêu dùng do một số HTX, doanh nghiệp làm ăn bất chính trà trộn RAT với rau thường sau đó bán với giá cao; chủng loại RAT còn đơn điệu, chưa tạo được sự thích thú cho người tiêu dùng.

Quản lý chặt chẽ các khâu

Thực tế, người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng nhiều loại RAT, nhưng do chất lượng chưa bảo đảm nên sản lượng tiêu thụ còn ít. Theo bà Đỗ Thị Liên - Chủ nhiệm HTX RAT Đạo Đức (Đông Anh), để RAT có chỗ đứng trên thị trường, các ngành chức năng cần tuyên truyền để người dân áp dụng đúng các biện pháp sản xuất từ việc làm đất, thời gian dùng thuốc BVTV đúng kỹ thuật; tăng cường kiểm tra, lấy mẫu ở các vùng sản xuất, các điểm kinh doanh RAT để xét nghiệm các chỉ tiêu, bảo đảm quyền lợi cho những HTX, doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho vùng RAT. Hiện theo đề án sản xuất RAT đã có 30 dự án được phê duyệt về làm hạ tầng nhưng mới chỉ có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ chế, đóng gói, bao tiêu sản phẩm RAT ra thị trường được khép kín. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, phải xây dựng được hệ thống khép kín về RAT thì nông dân mới có chỗ tiêu thụ; doanh nghiệp phải cùng nông dân chia sẻ những khó khăn khi giá rau xuống thấp, bảo đảm các bên cùng có lợi. Tuy nhiên, người dân cũng cần nâng cao nhận thức trong việc áp dụng đúng các quy trình sản xuất RAT. Để làm được việc này, mỗi vùng rau nên hình thành tổ nhóm nhằm kiểm soát lẫn nhau, bảo đảm chất lượng rau khi đưa ra thị trường. 

Quỳnh Dung