Ngành chăn nuôi Hà Nội: Chưa tận dụng hết tiềm năng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:06, 13/11/2015
Đầu ra cho sản phẩm ngành chăn nuôi Hà Nội hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thái Hiền |
Hiện thành phố đã hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm nhưng chưa nhiều, người dân vẫn loay hoay với bài toán tiêu thụ sản phẩm…
Chất lượng sản phẩm còn thấp
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thành phố hiện có tổng đàn bò 140.525 con, đàn lợn hơn 1,4 triệu con, đàn gia cầm trên 25 triệu con; đã hình thành được 12 xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 4 vùng chăn nuôi lợn, 29 xã trọng điểm về chăn nuôi gia cầm. Toàn thành phố có 3.465 trại chăn nuôi ngoài khu dân cư. Để thúc đẩy chăn nuôi phát triển, đến nay thành phố đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thực phẩm cho thị trường hằng năm đạt 140 triệu quả trứng, 11 nghìn tấn thịt lợn, 3,6 nghìn tấn thịt gia cầm, 100 tấn thịt bò, 30 nghìn tấn sữa tươi qua 500 cửa hàng thực phẩm, điểm phân phối, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi Hà Nội vẫn còn nhiều khó khăn: Chất lượng sản phẩm thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Sản lượng sữa mới đạt 4,8 tấn/chu kỳ (nhiều nước đạt trên 7-8 tấn/chu kỳ). Đầu ra cho các sản phẩm thiếu sự bền vững do chưa hình thành được chuỗi khép kín.
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hiện môi trường chăn nuôi chưa được bảo đảm do người dân còn chưa có ý thức trong bảo vệ môi trường. Công tác đào tạo nhân lực cho định hướng phát triển chăn nuôi công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các khu chăn nuôi ở các huyện, xã đã được quy hoạch song việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ chế, chính sách để các hộ chuyển đổi ra khu chăn nuôi tập trung vẫn còn nhiều khó khăn. Trình độ quản lý khoa học và các trang thiết bị phục vụ sản xuất lạc hậu, chưa bắt kịp với xu hướng của thế giới, vì thế năng suất thấp, giá thành cao.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, hộ chăn nuôi ở Ba Vì, hiện tại người chăn nuôi đang gặp khó khăn về giá, trong khi đó các chi phí sản xuất vẫn tăng hằng năm. Không những thế, chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nhưng chuyển đổi lại không đơn giản vì chi phí để đầu tư chuồng trại, hệ thống xử lý môi trường mất đến hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng như đường, điện, thủy lợi nội đồng ở khu chuyển đổi lại chưa hoàn chỉnh nên không thuận tiện cho việc đi lại cũng như sản xuất.
Hình thành các vùng chăn nuôi lớn
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả cao, thời gian tới các địa phương cần hình thành các khu chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, riêng biệt, mang tính công nghiệp, cách xa dân cư, phát triển chăn nuôi theo hình thức khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện kiểm soát, khống chế dịch bệnh, thực hiện sản xuất hàng hóa, phục vụ chế biến và xử lý môi trường, từng bước hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Nâng cao dần chất lượng sản phẩm để khai thác hết lợi thế và tiềm năng trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tiến hành xây dựng cơ sở chế biến, giết mổ gia súc và gia cầm tập trung theo quy hoạch của thành phố. Chủ động kiểm soát và khống chế được các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng, dịch tai xanh, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và kinh doanh gia súc, gia cầm. Từng bước tổ chức lại chăn nuôi theo hướng liên kết và quản lý theo chuỗi sản phẩm khép kín từ chuồng nuôi đến thị trường tiêu thụ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, phát triển sản xuất con giống, sản xuất hàng hóa, hiệu quả, bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm...