"Bình mới rượu cũ"?
Đời sống - Ngày đăng : 06:57, 13/11/2015
Theo đó, khi thân nhân của người bị bắt, người bị buộc tội có yêu cầu nhờ luật sư thì cơ quan điều tra tạo điều kiện cho người bào chữa cùng với điều tra viên vào gặp người bị bắt, người bị buộc tội, đồng thời làm rõ ý chí của họ để họ tự nguyện thể hiện ý chí có thực hiện quyền của mình là đồng ý để luật sư bào chữa hay không.
Tuy nhiên, đón nhận tin này, nhiều luật sư vẫn chưa vui. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Phan Trung Hoài, nhiều cơ quan tuyên bố "mở cửa" với luật sư nhưng việc thực hiện không theo quy trình chung thống nhất và vẫn "tắc" rất nhiều khâu. Câu chuyện thường ngày vẫn xảy ra, để luật sư vào được trại tạm giam thì phải có văn bản yêu cầu của khách hàng nhưng văn bản này mỗi nơi lại yêu cầu một kiểu, nơi đề nghị phải có xác nhận của chính quyền địa phương nhưng cũng có nơi không cần. Lại có nơi yêu cầu kèm theo văn bản này phải có văn bản của tổ chức hành nghề luật sư giới thiệu và ba giấy tờ đi kèm gồm: Thẻ luật sư, giấy chứng chỉ hành nghề, giấy đăng ký hoạt động văn phòng luật sư. Thậm chí, một số luật sư còn phản ánh, có cán bộ điều tra còn dùng biện pháp nghiệp vụ để bị can đang bị tạm giam từ chối luật sư, trong khi đó không ai có thể chứng minh điều tra viên có giải thích đúng quyền lợi của đương sự không. Vấn đề này được phản ánh rất nhiều lần nhưng chưa chuyển biến.
Với những trường hợp trên, dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự (sửa đổi) cũng khó có thể khắc phục được vì quy định còn chung chung. Rõ ràng, một chủ trương đúng nhưng nếu giải thích không chi tiết, tác dụng sẽ khó như mong đợi. Do đó, điều quan trọng vẫn là cần bổ sung những quy định cụ thể, thống nhất về việc cho phép luật sư tham gia quá trình điều tra, truy tố, xét xử ngay từ khi bắt đầu. Ngoài ra, cũng cần đổi mới thủ tục cấp đăng ký chứng nhận bào chữa. Mặc dù, dự thảo lần này đã phân cấp triệt để hơn - cho phép điều tra viên cấp giấy đăng ký người bào chữa nhưng quy định này đang khiến dư luận đặt câu hỏi, có phải là "bình mới rượu cũ?". Đơn giản vì nếu trước đây thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc lãnh đạo Viện KSND có quyền thu hồi giấy chứng nhận bào chữa thì nay nhiều ý kiến lo ngại điều tra viên cũng có quyền này.