Hoạt động nghệ thuật biểu diễn thời hội nhập: Quản lý như thế nào?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:43, 13/11/2015
Lằng nhằng giấy phép
Theo các chuyên gia, quy định liên quan lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn mới chỉ dừng lại ở các Nghị định và Thông tư được ban hành từ năm 2012 và đang bộc lộ nhiều hạn chế. Ông Tôn Thất Cần, Phó trưởng phòng Quản lý nghệ thuật (Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh) cho biết: Việc giải quyết hồ sơ cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong thời gian qua của thành phố phải có sự thẩm định của cơ quan An ninh Văn hóa (PA 83). Khi có văn bản xác minh nhân thân được trả lời từ PA 83 thì mới trình qua UBND TP Hồ Chí Minh để xin quyết định cho phép. Trong khi đó, thời gian cấp phép 5 ngày là không đủ.
Ca sĩ Khánh Ly về nước biểu diễn. |
Bên cạnh đó, nghệ sĩ hải ngoại muốn về nước biểu diễn phải xin phép thông qua một đơn vị tổ chức biểu diễn. Khi đơn vị A đưa nghệ sĩ định cư nước ngoài về biểu diễn, thì các đơn vị B, C khác muốn mời nghệ sĩ tiếp tục diễn tại một số điểm khác, thì lại phải xin lại toàn bộ giấy phép. Như vậy, trung bình 1 nghệ sĩ xin về nước biểu diễn 10 buổi diễn phải có 10 giấy phép, thậm chí nếu đây là chương trình của 10 đơn vị tổ chức khác nhau thì phải xin 10 giấy phép tương đương.
Bên cạnh đó, nghệ sĩ, người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam muốn tham gia đóng quảng cáo, băng đĩa nhạc cũng phải xin phép... với hành trình gian nan. Có mặt tại hội thảo, danh hài hải ngoại Vân Sơn cho biết: "Tôi vừa về Việt Nam hoạt động, đang muốn thành lập công ty biểu diễn tại Việt Nam, nên hôm nay đến đây để ngóng tình hình. So ra, quy định ở nước ngoài về cấp phép biểu diễn dễ dàng hơn. Nhà sản xuất và nghệ sĩ tự chịu trách nhiệm về chương trình, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Vương Duy Biên thừa nhận: "Chúng ta có môi trường nghệ thuật đa dạng, có đông đảo công chúng, nên nghệ sĩ nước ngoài và Việt kiều tìm đến hoạt động. Tới đây, khi gia nhập TPP, lượng nghệ sĩ Việt kiều và quốc tế đến Việt Nam càng nhiều. Một số nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào đầu tư nhà hát, xây dựng chương trình bán vé, chẳng lẽ mình không cho? Do đó, cần sớm gấp rút hoàn thành văn bản luật để phục vụ công tác quản lý và phát triển hoạt động nghệ thuật nước nhà".
Những kẽ hở bị lợi dụng
TP Hồ Chí Minh có 8 đơn vị biểu diễn công lập, trên 700 đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, 100 đơn vị tổ chức biểu diễn sân khấu. Bình quân mỗi năm Sở Văn hóa - Thể thao thành phố cấp phép cho khoảng 850 chương trình ca múa nhạc, 180 hồ sơ xin phát hành băng, đĩa. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh cũng đang là "điểm nóng" với nhiều hoạt động nghệ thuật không phép. Nguyên nhân là chế tài xử phạt còn tương đối nhẹ. Chẳng hạn, mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố đã phạt 40 triệu đồng đối với Công ty Ngôi Sao Việt về việc đưa thí sinh ra nước ngoài tham dự cuộc thi người đẹp mà không xin phép. Tuy nhiên, các người đẹp, người mẫu hoạt động tại TP Hồ Chí Minh vẫn tìm cách đi thi chui, chứ không chịu chấp hành.
Chưa hết, theo ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố, Nghị định 79/2012/NĐ-CP có quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật nội bộ, tại cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát không bán vé, không thu tiền người xem thì không phải xin cấp phép. Tuy nhiên, thời gian qua, tại các phòng trà, tụ điểm ca nhạc lại thường xuyên tổ chức các chương trình ca nhạc, không bán vé nhưng lại tính tiền phụ thu. Bên cạnh đó, Nghị định chưa có quy định rõ việc cấm trẻ em biểu diễn các bài hát của người lớn có nội dung không phù hợp lứa tuổi, việc sử dụng người mẫu nhí trong các chương trình thời trang, quảng cáo...